Tôi mở điện thoại, tin nhắn của ứng dụng Bluezone luôn đến từ rất sớm. Tôi nhấp vào để xem hôm nay TP HCM có bao nhiêu ca nhiễm với một sự hy vọng. Và đó là việc mà tôi làm đầu tiên khi vừa thức giấc trong suốt hai mươi ngày giãn cách vừa qua.
Tôi biết nhiều người cũng như tôi, trông chờ từng ngày, nhưng không phải ngày hết giãn cách mà là ngày dịch được kiểm soát. Khi đó, chúng ta lại được ra đường mà không cần bất kì loại "giấy thông hành" nào.
Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng tôi thấy chính quyền đã làm rất tốt trong khâu tuyên truyền để người dân nắm rõ các chỉ thị, cập nhật kịp thời các quy định và hỗ trợ nhiều đối tượng trong đợt dịch thứ tư này.
Tôi nhớ, trước khi thực hiện đợt giãn cách đầu tiên của chị thị 16, khắp các phương tiện thông tin đại chúng đều nêu rõ những quy định trong đó. Tin nhắn thông báo, hướng dẫn cũng được gửi đến nhiều lần.
Thậm chí, ở nơi tôi sống, ngày nào cũng hai lần, sáng sớm và chiều tối, ban quản lý mở loa phóng thanh để tuyên truyền về các quy định cũng như biện pháp phòng dịch và các khuyến cáo. Họ kỹ lưỡng đến mức đi nhét vào khe cửa của mỗi căn hộ phiếu đi chợ nếu mình gọi điện đăng ký.
Thế nên, dù không có TV nhưng tôi vẫn nắm không thiếu một thông báo nào, đâu là khuyến cáo, đâu là xử phạt... Tôi thấy bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng nắm rất rõ và cố gắng thực hiện nghiêm túc nên tôi tin rồi dịch sẽ sớm được kiểm soát thôi.
Cách đây hai ngày, một cư dân sống cùng khu căn hộ với tôi bày tỏ sự bức xúc khi bị chặn lại, hỏi về các loại giấy tờ. Anh cũng bức xúc việc tại sao chỉ được đi chợ vào ngày 24 và 30 tháng này trong khi chỗ chúng tôi ở không thuộc khu vực cách ly, phong tỏa. Cũng xin nói thêm là chốt chặn tôi nói là để bảo vệ vùng xanh vì ấp chúng tôi chưa có người nhiễm bệnh. Sau khi đọc xong những dòng ấy, tôi vừa ngạc nhiên vừa thấy lo lắng. Số người đi lại sẽ còn nhiều. Dịch bệnh sẽ khó lòng được dập nếu một bộ phận người dân vẫn chưa thể tiếp cận chỉ thị vì một lý do nào đó hoặc từ chối tiếp nhận.
Chúng ta hoàn toàn hiểu những biện pháp hạn chế gây ra rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt, nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu cho các bữa ăn vốn đã lấy đi nhiều năng lượng của những bà nội trợ. Giờ đây, khi việc đi chợ bị hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro thì lại càng vất vả hơn. Câu chuyện của tôi thì đơn giản hơn. Tôi sống một mình, trước giãn cách một ngày tôi cũng cố gắng chuẩn bị một số rau củ, thịt cá để hạn chế việc đi lại. Tôi ưu tiên chọn những loại rau củ có thể bảo quản được lâu ngày như khoai mỡ, bí đỏ... mặc dù những món đó tôi chỉ ăn trong bữa trưa được cơ quan chuẩn bị chứ chưa bao giờ tự nấu cả.
Số rau lá tôi tranh thủ ăn trước vì sợ chúng dễ hư nhưng đến ngày thứ mười bảy mới hết. Tôi nhặt từng chiếc lá dập trong bó rau dền mua với giá bốn mươi nghìn một kg để cố gắng ở trong nhà thêm được một ngày và cũng để tiết kiệm trong giai đoạn này.
Tôi gọi về quê, mẹ tôi cứ dặn đi dặn lại là "phải ở trong nhà nghen con". Bà ngoại tôi rất ít khi dùng điện thoại nhưng từ đầu chỉ thị 16 đến giờ cũng gọi cho tôi mấy lần chỉ để dặn cháu đừng đi ra đường.
Mẹ tôi còn kể, do có một thương lái mua rau là F1 nên cha tôi đã tự vào căn chòi nhỏ trong ruộng để cách ly vì là F2. Không ai bắt ép cả, cha tôi tự nguyện vì sợ "lỡ như mình có gì mà đi lung tung thì lây cho biết bao nhiều người".
Hôm qua là thôi nôi cháu tôi, tiệc làm đơn giản chỉ có bà nội và ba mẹ đứa bé, bà ngoại ở cách đó vài trăm mét cũng không đến mừng cháu tròn một tuổi vì chỉ thị quy định gia đình cách ly với gia đình.
Tôi rất vui vì những người dân chân lấm tay bùn quê tôi đã tiếp cận được với chỉ thị và nghiêm túc làm theo. Tôi tin rằng, chừng nào mọi người còn tuân thủ tối đa các hướng dẫn thì chừng đó dịch sẽ sớm bị đẩy lui. Khi đó, mỗi sớm thức dậy chúng ta sẽ được mỉm cười để có hai mươi bốn giờ tinh khôi thay vì hồi hộp xem số ca nhiễm.
Hà An
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.