Có thể nói tôi là một người nghiện gym. Trước dịch Covid-19, mỗi tuần tôi đến phòng gym 6-7 ngày, mỗi ngày từ 1-1,5 tiếng trong suốt chục năm. Nói như vậy để mọi người biết việc tập luyện thể dục quan trọng thế nào trong cuộc sống của tôi.
Thế nhưng suốt ba tháng nay làm việc tại nhà, không vào phòng gym, sức khoẻ về thể chất lẫn tinh thần của tôi vẫn ổn. Trước khi TP HCM giãn cách, tôi chạy bộ, nhảy dây, hít đất và tập các bài tập khác ở dưới sân chung cư.
Từ ngày 9/7, TPHCM bắt đầu áp dụng chỉ thị 16, phòng ngủ 18 m2 của tôi biến thành phòng gym. Mỗi ngày tôi tập khoảng hai tiếng, tập nhẹ nên mất nhiều thời gian hơn.
Tôi tập các bài squat đơn giản cho phần thân dưới, hít đất, chống tay cho phần tay và thân trên. Vì không có tạ nên mỗi set tôi tập 30 cái thay vì 10 cái như trong phòng gym. Tôi cũng dùng giường để làm ghế tập bụng và chạy tại chỗ để tập cardio.
Suốt ba tháng không tạ, không máy móc, tất nhiên cơ bắp và sức mạnh mất đi nhiều.
Suốt ba tháng không ra đường, tất nhiên không tránh khỏi cảm giác ngột ngạt, bức bí. Tuy nhiên tôi cố gắng giữ tinh thần lạc quan, kiên nhẫn, tin rằng dịch bệnh rồi cũng sẽ chấm dứt.
Những ngày qua, cả nước phát hiện trên dưới 6.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày. Riêng TP HCM đang là tâm dịch của cả nước và chưa có dấu hiệu lên tới đỉnh dịch. Hơn 20 tỉnh thành đang áp dụng chỉ thị 16 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, chống dịch như chống giặc, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa quân và dân. Không chiến đấu, hy sinh thì không có bình yên, no ấm. Quân đội, công an, các y bác sỹ, tình nguyện viên khắp cả nước đang oằn mình chống dịch. Họ xa gia đình trong thời gian dài.
Các anh bộ đội phải nhường chỗ ngủ cho người cách ly, các y bác sỹ bỏ lại con thơ đang khát sữa, có người mất cha, mất mẹ mà chẳng được về chịu tang. Họ vẫn nén chặt nỗi đau để chiến đấu với Covid-19. So với sự hy sinh của họ, sự bất bất tiện khi ở nhà của chúng ta đã là gì đâu.
Vậy thì người dân có thể đóng góp gì? Đơn giản chúng ta chỉ cần hạn chế ra đường, ăn uống có thể không sang chảnh như ngày thường, cố gắng chấp nhận sự bức bí khi ở nhà vài ba tuần và thực hiện nghiêm túc 5K.
>> Tôi sợ khi thấy người chạy bộ, tập thể dục đầy đường
Thời này không ai xa lạ với khẩu hiệu "Ở nhà là yêu nước". Những ngày qua, tại nhiều địa phương áp dụng chỉ thị 16, chúng ta cũng bắt gặp nhiều người ra đường tập thể dục.
Bị nhắc nhở ban ngày thì họ tràn ra đường vào ban đêm. Công an lùa đằng này thì họ lẻn vào lối kia. Có mặt dân phòng thì họ tạm lánh đi, dân phòng vừa quay lưng thì đâu lại vào đấy.
Một phần cộng đồng giận dữ kêu gọi trừng trị những người vô ý thức này, nhưng cũng không ít người cho rằng đây là nhu cầu chính đáng nhằm nâng cao sức khoẻ để phòng dịch.
Tôi chắc chắn không chỉ những người tràn ra đường tập thể dục mới có nhu cầu tập luyện. Hàng triệu người dân trên cả nước cũng có nhu cầu đó, tại sao họ không ra đường? Thử nghĩ nếu được cho phép ra đường tập thể dục thì tình hình sẽ thế nào? E rằng chưa kịp khoẻ đẹp thì nhiều người đã sớm thở oxy trong các bệnh viện dã chiến rồi.
Theo tôi, những người bảo ra đường tập thể dục là cần thiết để nâng cao sức khoẻ chỉ là nguỵ biện. Rõ ràng họ đang vi phạm chỉ thị 16 và các địa phương cần phải có giải pháp mạnh hơn.
Thời gian thực hiện chỉ thị 16 chính là thời gian vàng để dập dịch. Người dân càng nghiêm túc thực hiện thì dịch sẽ càng sớm được kiểm soát. Vì vậy tôi mong rằng mỗi người dân nên chịu khó bớt đi các nhu cầu không bức thiết của mình trong vài tuần để giúp cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Zest
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.