Trước tiên, hiểu được cách vận hành của các hệ thống giao hàng công nghệ, chúng ta sẽ thấy rằng hệ thống shipper của các hãng xe như Grab, Be, Gojek, Baemin... đã góp phần quan trọng giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn. Tất cả mọi đơn đặt hàng đều được ghi lại trên hệ thống. Dựa vào hệ thống đó, chúng ta có thể xác định một shipper đã chuyển hàng từ nhà cung cấp nào đến người tiêu dùng nào, di chuyển trên tuyến đường nào một cách cực kỳ chính xác.
Nếu nhân viên của một cửa hàng, hoặc một shipper, hoặc một người nhận hàng mắc Covid-19, dựa trên hệ thống phần mềm của các hãng xe, chúng ta có thể truy vết được một cách cực kỳ nhanh chóng và chính xác những tiếp xúc gần với người bệnh.
Trong khi đó, nếu cấm shipper, người dân sẽ phải tự mình đi mua hàng thiết yếu. Điều đó có nghĩa là số người ra đường, số lượng tiếp xúc sẽ nhiều hơn, việc truy vết cũng vất vả hơn .
Thứ hai, một số người đang lo lắng rằng shipper sẽ làm lây lan dịch bệnh. Để giải quyết vấn đề đó, các cơ quan chức năng chỉ cần áp dụng hai biện pháp hết sức đơn giản. Đó là: (1) hạn chế tiếp xúc gần giữa cửa hàng và shipper, (2) hạn chế tiếp xúc gần giữa shipper và người dân.
Để hạn chế tiếp xúc gần giữa cửa hàng và shipper, cơ quan chức năng chỉ cần hướng dẫn các cửa hàng kẻ các "ô xếp hàng" cách nhau 2m để shipper xếp hàng mua đồ. Khi giao đồ thì bố trí một "bàn giao hàng" cách cửa hàng (hoặc khu vực nhân viên) 2m. Nhân viên cửa hàng chỉ cần đặt đồ lên "bàn giao hàng" rồi quay về khu vực cửa hàng (hoặc khu vực nhân viên).
Sau đó, shipper tiến đến "bàn giao hàng" để nhận hàng, như vậy sẽ không có tiếp xúc gần giữa hai bên. Cơ quan chức năng chỉ cần quản lý bằng cách kiểm tra các điều kiện: cửa hàng có "ô xếp hàng" chưa, có "bàn giao hàng" đảm bảo yêu cầu chưa, và phạt thật nặng, thậm chí yêu cầu đóng cửa đối với các cửa hàng không tuân thủ qui định.
Để hạn chế tiếp xúc gần giữa shipper và người dân, khi nhận hàng, người dân chỉ cần yêu cầu shipper đặt hàng ở một "bàn giao hàng", hoặc thậm chí xuống đất. Sau khi shipper đi khỏi, người dân mới ra lấy hàng, như thế không còn tiếp xúc gần giữa shipper và người nhận hàng. Với các khu chung cư, khu tập thể hoặc ngõ xóm, chúng ta có thể bàn bạc để bố trí một "bàn giao hàng" đáp ứng yêu cầu. Để hạn chế tiếp xúc gần trong thanh toán, cơ quan quản lý chỉ việc yêu cầu các hãng xe cấm sử dụng hình thức mua hàng trả tiền mặt, tất cả đều thanh toán qua thẻ.
Nếu muốn tăng cường kiểm soát nguy cơ từ các shipper hơn nữa, cơ quan chức năng có thể tính đến việc phối hợp với các hãng xe quản lý một cách tập trung shipper (ví dụ tận dụng các khách sạn đang đóng cửa làm ký túc xá cho họ). Bắt buộc shipper cài đặt phần mềm Bluezone để kiểm soát tiếp xúc giữa các shipper với nhau, ưu tiêm vaccine cho shipper để họ tăng khả năng đề kháng, nếu có nhiễm cũng chỉ có tải lượng virus nhỏ ít khả năng lây hơn.
Kinh nghiệm xương máu của TP.HCM trong thời gian vừa qua cho thấy shipper chính là mạch máu nuôi dưỡng hệ thống lưu thông. Cấm shipper tức là người dân sẽ tập trung ở chợ, ở siêu thị nhiều hơn dẫn đến nguy cơ nhiễm cao hơn, tình trạng lây nhiễm lan rộng hơn.
Việc hạn chế shipper không chỉ gián đoạn hệ thống lưu thông, tạo ra nguy cơ lây nhiễm cao hơn do người dân phải trực tiếp đi mua hàng, mà còn dẫn đến làm giảm lượng bán hàng của các cửa hàng, từ đó thu hẹp nền kinh tế. Khi nền kinh tế thu hẹp, gánh nặng đối với ngân sách càng nặng nề hơn.
Thay vì "cấm", chúng ta nên cân nhắc mọi yếu tố lợi hại, đưa ra các phương án cải tiến để đối phó linh hoạt với tình hình thực tế. Chính vì thế, tôi cho rằng không nên hạn chế shipper nói riêng và hạn chế lưu thông. Nên tạo điều kiện để từng shipper, từng cửa hàng, từng người dân sát cánh, san sẻ gánh nặng với đất nước.
Phạm Lê Huy
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.