Để trả lời câu hỏi lấy chồng sướng hay khổ, độc giả Nguyen Hoang Lam cho rằng bản chất của hôn nhân là sự chia sẻ và thấu hiểu sâu sắc:
Trong phim A star is born, có đoạn nhạc thế này: "When the sun goes down and the band won't play, I'll always remember us this way", tôi liên tưởng rằng, khi không còn gì tác động, mọi thứ xung quanh chìm vào im lặng, ta sẽ đối mặt với con người thật của mình.
Càng đối mặt với bản thân, ta càng cảm thấy cô đơn, nỗi buồn sâu thẳm. Ước mơ, ước muốn lấy vợ, lấy chồng là đi tìm người hiểu và chia sẻ được với con người cô đơn đó của mình. Nên cá nhân tôi cảm thấy bản chất hôn nhân không phải là cho nhiều hơn nhận, mà là sự thấu hiểu sâu sắc.
Vì tôi đã thấy có người hy sinh tất cả cho người kia, nhưng hôn nhân vẫn tan vỡ. Sự thấu hiểu giúp người này luôn đặt vào vị trí của người kia, trước khi làm bất cứ việc gì. Để từ đó có suy nghĩ hay việc làm phù hợp, khi đó dù có ai cho nhiều hơn ai thì cũng đâu còn quan trọng. Sự thấu hiểu, chân thành là nền tảng vững chắc để xây dựng hôn nhân gia đình, cuộc sống, có sức chống chọi với phong ba bão tố cuộc đời.
Độc giả Thắm Võ chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ chịu đựng bức bối trong hôn nhân:
Chị tôi lấy chồng năm 40 tuổi sau khi chia tay mối tình đầu. Chị lấy chồng vì sợ mang tiếng gái ế. Người yêu chị khi đó đang yêu thầm một người khác trẻ hơn anh đến 10 tuổi nên anh không dám ngỏ lời. Chị biết nhưng vẫn chấp nhận cưới vì thấy anh là người mẫu mực. Sau đám cưới một tuần, chị tâm sự muốn bỏ về nhà mẹ sống vì anh chồng lầm lì ít nói nên chị không chịu nổi.
Nhưng rồi chị suy nghĩ lại vẫn tiếp tục sống và chịu đựng vì sợ không cưới ai được nữa. Bây giờ chị đã có một bé trai 10 tuổi, nhưng chưa bao giờ trong nhà vui vẻ đầm ấm vì anh chồng cứ lầm lì ít nói và không bao giờ chia sẻ với chị bất cứ chuyện gì.
Hôn nhân là nơi mà người ta tìm đến đó để được chia sẻ, bình yên và hạnh phúc, chứ không phải là nơi mà người ta tìm đến đó để chịu đựng nhau.
Độc giả HoangLe:
Về cơ bản thì môi trường nào cũng có sướng có khổ. Vấn đề ở đây là chính chúng ta. Cụ thể là mỗi người cần phải tự thay đổi bản thân để phù hợp với môi trường. Đương nhiên vẫn giữ lại cái riêng của mình nhưng phải đảm bảo nó không gây ảnh hưởng xấu tới người khác.
Ví dụ chồng ngủ ngáy khiến vợ không ngủ được thì ông chồng phải thay đổi. Trong trường hợp này, không thể cho rằng tôi ngủ thì biết gì, cô không chịu được thì ra ngủ riêng. Đây rõ ràng là ích kỷ, sống cá nhân.
Hoặc chồng nghĩ là tôi đi làm, cô ở nhà trông con, làm việc nhà thì đáng là gì. Điều này cũng không đúng, vì nếu vợ cũng đi làm thì cả hai sẽ phải bỏ tiền ra để thuê người trông con, làm việc nhà. Đừng nghĩ việc nhà là không quan trọng, bạn thử dừng làm việc nhà một vài ngày xem khi về nhà thấy vừa hôi vừa bẩn có thích không.
Và đàn ông cũng không nên nhất nhất nghe lời bố mẹ, cần có quan điểm riêng của mình. Bố mẹ là nguồn tham khảo tốt thôi chứ không nên là người quyết định mọi việc của mình.
Bạn sống với bố mẹ cứ cho là 30 năm nhưng bạn sẽ sống với vợ 30, 40, 50 năm nữa... rõ ràng thời gian có phần dài hơn. Còn về phía người vợ thì cũng tương tự thế, không tiện nói cụ thể ở đây. Nhìn chung hai người cần giữ lại 50% cho mình, 50% còn lại vì nửa kia, và cũng phải có tình người chứ không nên cứng rắn như pháp luật. Thế mới mong gắn bó lâu dài.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.