Mất việc, giảm thu nhập, cắt lương thưởng... bức tranh kinh tế ảm đạm hậu Covid-19 khiến khao khát về nhà đón Tết của nhiều công nhân, người lao động thu nhập thấp ở các thành phố lớn trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Thống kê chưa đầy đủ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến tháng 11, cả nước có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9-11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng. Lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp mười tháng đầu năm cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả những con số thống kê ấy cho thấy tình cảnh thực tế của người lao động xa quê những ngày cuối năm 2022. Thế nhưng, dạo qua một số bài viết, diễn đàn xung quanh câu chuyện này, tôi thấy buồn khi đâu đó vẫn có những bình luận vô cảm theo kiểu "không có tiền thì đừng về quê dịp đắt đỏ này nữa, chờ sau Tết rồi về", hay "phải cân đối điều kiện tài chính của bản thân, sao phải cố về quê ăn Tết bằng được", "cớ gì phải làm khổ bản thân, chắt bóp từng đồng chỉ để ăn một cái Tết ở quê để rồi tiêu sạch tích lũy của cả năm, làm vậy liệu có đáng?"...
Có lẽ phần lớn những bình luận như thế xuất phát từ những người chưa từng làm công nhân, chưa từng trải qua những khó khăn "cơm, áo, gạo, tiền" của những người lao động xa quê. Họ không đặt mình vào hoàn cảnh của những công nhân xa xứ cả năm khi về quê đón Tết. Thực tế, chi phí cho một chuyến hồi hương cho ba ngày Tết vô cùng tốn kém.
Tôi tính sơ sơ tiền vé tàu xe cho gia đình bốn người khoảng 6-8 triệu đồng cho một chiều về (chưa tính khứ hồi); chi phí ăn uống, sinh hoạt khi đi xe dọc đường cũng đắt đỏ hơn ngày thường. Khi về quê, ai cũng cần sắm Tết, mua đồ Tết, biếu quà Tết cho cha mẹ, nội ngoại; mua sắm thực phẩm sử dụng trong mấy ngày Tết; tiền lì xì... tổng cộng nhẹ nhất cũng đến 10 triệu đồng. Tết xong trở lại nơi làm việc cũng lại mất chi phí tàu xe, đi đường cũng khoảng 6 triệu đồng nữa.
>> Những công nhân phải rút BHXH để 'ăn dần'
Như vậy, tạm tính chi tiêu tiết kiệm nhất cho một gia đình công nhân khi về quê hương đón Tết cũng tiêu tốn tới 24 triệu đồng, chưa tính đến nhiều chi phí phát sinh khác mà không thể liệt kê hết được. Thế nên, đây quả thực là một áp lực vô cùng lớn với người lao động xa quê mỗi dịp Tết đến xuân về. Tôi kể ra ở đây với mong muốn chúng ta hãy cùng đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, thay vì chỉ trích, trách móc họ.
Nếu bạn từng nếm trải cảm giác ăn mì gói cả tháng trời như công nhân, lao động phổ thông tự do, ở trong hoàn cảnh thất nghiệp, giật gấu vá vai, chạy ăn từng bữa, tôi tin các bạn sẽ thấm thía cuộc sống khó khăn của họ. Mặc dù tôi không đến mức như thế, nhưng tôi có những khách hàng là những công nhân thuê trọ. Chứng kiến và lắng nghe những hoàn cảnh như vậy, tôi không khỏi xót xa.
Mong ước về quê đón Tết luôn là chính đáng với mỗi người, bất kể giàu - nghèo, sang - hèn. Nhưng thực tế, chi phí đắt đỏ, vật giá leo thang lại tỷ lệ nghịch với thu nhập của công nhân, người lao động phổ thông. Thế nên, muốn tiết kiệm tối đa cho Tết, họ chỉ còn một cách là mua thùng mì gói về ăn dần cho qua bữa.
Muốn giải tỏa bớt áp lực nhọc nhằn mưu sinh cho người lao động thu nhập thấp, chúng ta cần có chính sách đào tạo lại để người lao động thích ứng với những biến đổi, xu hướng công việc hiện tại. Đồng thời, nhà chức trách cũng cần xây dựng những chính sách an sinh xã hội phù hợp để hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng người lao động dễ bị tổn thương.
Tuấn Anh
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.