Câu chuyện dọn dẹp, nấu nướng ngày Tết luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi mỗi dịp cuối năm. Tùy từng vùng miền mà cách cúng Tết cũng khác nhau, có nơi làm cầu kỳ, nhiều món, nhiều mâm nên người chuẩn bị rất mệt. Như nhà tôi ở miền Nam, năm nào cũng cúng Tết ba bữa một ngày, mỗi bữa hai mâm, nhưng nhìn chung món ăn đơn giản. Các món như thịt kho, canh nhà tôi nấu một lần cho hai buổi, nên chuyện bếp núc cũng không phải chuyện gì quá to tát.
Thực đơn mâm cơm cúng Tết của nhà tôi thường là: Mùng Một, sáng bánh tét; trưa chiều cơm, đồ chay kho, canh kiểm. Mùng Hai, sáng bánh tét, bánh ngọt; trưa cơm, thịt kho, canh cải hoặc khổ qua, bánh tráng, thịt ram (hoặc lạp xưởng, chả lụa), rau xà lách, dưa chuột, đậu que xào. Mùng Ba cũng như mùng Hai, buổi chiều cúng thêm con gà luộc, cháo để đưa ông bà.
Để hoàn tất mâm cơm cúng như thế, khoảng hơn 10 giờ sáng, mẹ, chị và tôi bắt đầu nấu món chính cho bữa trưa, mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Buổi chiều thì nhẹ nhàng hơn, chỉ cần 10-15 phút hâm lại đồ đã nấu từ sáng. Các phần chuẩn bị khác cũng không mất nhiều thời gian, nếu có người phụ thì càng nhanh, nếu không một người làm hết cũng chỉ khoảng 30-45 phút là tươm tất, tương tự như nấu ăn mỗi ngày thôi, chỉ mất chút thời gian dọn mâm cúng và rửa thêm ít bát đĩa.
Bản thân tôi ngay từ khi 12 tuổi đã có thể phụ mẹ làm các việc như nhặt rau, rửa dọn, chuẩn bị đồ cúng... (khoảng một nửa khối lượng công việc bếp núc). Lớn hơn một chút, tôi có thể một mình làm hết mọi việc chuẩn bị mâm cơm ngày Tết. Hôm nào không có khách tới dùng bữa thì cúng và ăn, rửa dọn xong, tôi còn rảnh hai, ba tiếng đồng hồ chơi không, thoải mái hơn cả lúc đi làm nữa.
>> Vợ tôi chẳng than phiền dù nấu nướng cả Tết
Nếu có khách tới chúc Tết thì đa số cũng chỉ ăn ít bánh mứt, trái cây, uống trà, nước ngọt rồi tranh thủ đi nhà khác, chỉ những ai ở xa mà lỡ tới trúng bữa trưa thì mới ở lại ăn chung bữa cơm với gia đình, cũng chỉ thêm một vài cái bát, đôi đũa chứ cũng không có gì cầu kỳ, mệt mỏi. Còn người thân trong gia đình có tụ họp lại thì mỗi người phụ làm một việc, đâu có ai phải làm hết để phục vụ người khác như nhiều người vẫn than phiền đâu. Thậm chí, khoảng chục năm trở lại đây, tôi thấy ngày càng ít người đi chúc Tết nhau, nên tôi thậm chí còn rảnh rỗi hơn nhiều.
Tết của gia đình tôi dù giữ trọn những nét truyền thống, nhưng vẫn nhẹ nhàng như vậy, tuyệt nhiên cánh phụ nữ trong nhà chẳng hề có cảm giác mệt mỏi, sợ hãi hay chán ghét ngày Tết chỉ vì chuyện bếp núc. Khi xã hội ngày càng phát triển thì việc nội trợ cũng trở nên nhẹ nhàng, mất ít thời gian, công sức hơn nhiều vì có các máy móc hỗ trợ hay đồ ăn chế biến sẵn. Bạn thậm chí còn không cần động tay vào nấu ăn, dọn dẹp nữa.
Tóm lại, Tết an nhàn hay hành xác là do quan niệm và cách sống của mỗi gia đình. Không nhất thiết phải giũ bỏ toàn bộ truyền thống thì người phụ nữ mới được giải phóng trong ba ngày Tết. Nghĩ thoáng ra một chút, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.