Thời gian qua, nhiều khách hàng đồng loạt khiếu nại về sản phẩm bảo hiểm "Tâm an đầu tư" của các ngân hàng. Điểm chung của các khiếu nại là khách hàng nói, khi đến gửi tiết kiệm bị dụ gửi "tiết kiệm đầu tư để lãi hơn" nhưng lại thành "bảo hiểm nhân thọ".
Nói về câu chuyện nhân viên ngân hàng dẫn dụ người gửi tiết kiệm mua bảo hiểm, độc giả Vie Thai bình luận: "Khách đến ngân hàng gửi tiết kiệm hoàn toàn không có nhu cầu mua bảo hiểm, nhưng nhân viên tư vấn lại chèo kéo để họ chuyển sang sản phẩm mới có lãi suất cao hơn, cần vẫn rút tiền được ngay, cùng nhiều điểm ưu việt khác... Nhưng đấy là lời tư vấn hoàn toàn sai sự thật bởi bản chất đó là bảo hiểm nhân thọ.
Bạn đóng một năm mà cần tiền ngay, muốn rút thì coi như mất trắng, hoặc không đóng được nữa cũng mất. Phải đóng đủ hàng chục năm liên tục hoặc hơn thế bạn mới nhận lại được số tiền của mình. Thử hỏi, có ai đi gửi tiết kiệm đến hàng chục năm như thế? Chưa kể, sau tối thiểu 10 năm, nhận lại số tiền đã đóng, lúc đấy tính trượt giá thì bạn gần như chỉ còn lại một khoản tiền vô cùng nhỏ, trong khi dòng dã hàng chục năm đóng tiền cho bảo hiểm.
Gia đình tôi từng mua bảo hiểm đến 18 năm và thấm thía rõ bài học này. Năm 2001, tôi mua với số tiền đóng mỗi năm là 1 triệu đồng - hơn cả một tháng lương thời điểm đấy. Liên tục như vậy, sau 18 năm, mỗi năm số tiền đóng nhích lên một chút, giờ tôi nhận lại đúng 30 triệu đồng - bằng đúng hai tháng lương ở thời điểm hiện tại. Tôi vẫn không hiểu bỏ ra hơn một tháng lương đóng hàng năm để 18 năm sau nhận lại đúng hai tháng lương để được gì?".
Cũng bức xúc vì bị nhân viên tư vấn mập mờ, bạn đọc Tuyen Pham chia sẻ: "Tôi cũng bị tư vấn tham gia bảo hiểm mà bây giờ như mắc xương cá. Hai vợ chồng về hưu cứ lo vụ đóng tiền này khổ quá. Trong khi nhân viên thì thay đổi hay chuyển việc nên hầu như từ khi bị dụ mua đến nay đã vài năm mà không ai quan tâm hỏi han. Nhà tôi mua ba gói bảo hiểm, chỉ có gói bao gồm bảo hiểm y tế là một năm được thanh toán đôi lần khi đi khám (được vài triệu đồng), còn lại đúng là vô dụng. Khi tư vấn, nhân viên nói tôi chỉ cần nộp phí 10 triệu đồng một năm, nhưng năm nào tính ra cũng 15 triệu đồng, các gói khác số phí nộp cũng cao hơn lúc tư vấn. Nhà tôi chỉ muốn rút ra nhưng mới được ít năm nên lại lo lỗ to".
>> Tiền gửi tiết kiệm dưỡng già bị 'đánh tráo' thành gói bảo hiểm
Nhấn mạnh trách nhiệm của nhân viên tư vấn trong việc khách hàng sập bẫy bảo hiểm liên kết đầu tư, độc giả Trankhuongms cho rằng: "Một tư vấn viên nếu tư vấn mua bảo hiểm chính xác thì khách hàng sẽ không bao giờ khiếu nại, bởi quyền lợi bảo hiểm là bảo vệ cho khách hàng. Đằng này, chúng ta chỉ cần nhìn hoàn cảnh khách hàng khi so lại với hợp đồng sẽ thấy tình hình cụ thể rõ ràng. Nếu khách hàng không đủ điều kiện về tài chính mà vẫn ký hợp đồng bảo hiểm quá khả năng đóng, thì chắc chắn cần phải xem lại nhân viên tư vấn".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyen Hoang Tien đề xuất: "Mọi việc chào bán sản phẩm diễn ra bằng miệng, dựa vào lòng tin của khách hàng với nhân viên tư vấn. Hợp đồng luôn được giao muộn, dài và dùng ngôn ngữ khó hiểu để cài cắm, bút sa gà chết, nên khi xảy ra chuyện, không có bất cứ bằng chứng nào bảo vệ cho khách hàng. Tôi cho rằng, nên có thêm quy định: toàn bộ quá trình nhân viên tư vấn cho khách hàng phải được ghi âm lại, chứ không phải chỉ là băng ghi âm cuộc gọi chào mừng (welcome call)".
"Nói chung phải có quy định khi tư vấn khách hàng cần ghi âm lại, nếu không có bản ghi âm, khách hàng có quyền hủy hợp đồng và công ty phải có trách nhiệm hoàn tiền cho khách hàng. Như vậy sẽ tránh được trường hợp khách hàng bị dụ mua hoặc bị ép mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Và có luật nếu ngân hàng ép khách vay hàng vay phải mua bảo hiểm thì ngân hàng phải đóng nốt các năm còn lại cho khách nếu khách có đủ chứng cứ. Chứ không thể như vậy được", độc giả Manhtien nói thêm.
Mong muốn sự vào cuộc từ cơ quan quản lý để làm trong sạch hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, bạn đọc Binh kết lại: "Cần có cuộc thanh tra toàn diện, kết luận thanh tra mới đảm bảo ai đúng ai sai, chứ các bên thì ai cũng cho rằng mình đúng. Và nếu phát hiện hợp đồng nào không đúng thì cần tuyên vô hiệu hóa hợp đồng (trả tiền cho các khách hàng và cũng truy thu cả với những tư vấn viên tư vấn sai nhưng vẫn đút túi tiền hoa hồng). Với hợp đồng bảo hiểm dày mấy chục trang cùng các từ ngữ diễn giải không cho số đông người dân thì có lẽ người thiệt nhất vẫn là khách hàng".
>> Bạn có gặp rắc rối với hợp đồng bảo hiểm? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.