Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người xuất hiện tâm lý hoang mang sau khi tham gia bảo hiểm. Đa phần khách hàng lo ngại bị "mắc kẹt" với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn lên tới 99-100 năm, sau khi đọc các thông tin ghi trên hợp đồng. Không ít những câu chuyện được chia sẻ xung quanh câu chuyện lời - lỗ của bảo hiểm như: "Tôi lỗ 100 triệu đồng sau 5 năm mua bảo hiểm", "Bỗng dưng thành con nợ bảo hiểm", "Bỗng dưng thành con nợ bảo hiểm", "Sập bẫy mua bảo hiểm vì muốn kiếm lời"...
Nói về vấn đề này, độc giả Hanh Tran đánh giá về giá trị thực của bảo hiểm: "Mục đích của bảo hiểm là bảo vệ nhưng người Việt đa phần lại quan tâm nhiều hơn đến việc sinh lời (sau này rút được bao nhiêu tiền?). Chúng ta thường ít để ý đến người thân của mình sẽ thế nào khi chính mình gặp rủi ro?
Nếu nói về sinh lời thì chắc chắn bảo hiểm không thể nào so được với các kênh đầu tư khác hay kể cả gửi tiết kiệm ngân hàng. Mỗi lần bạn rút tiền bảo hiểm ra, đương nhiên sẽ bị trừ các loại phí khác nhau, chứ không như ngân hàng cứ rút tiền là có lãi.
Nói cách khác, số tiền bạn đóng vào bảo hiểm sẽ bị trừ đi hàng loạt chi phí quản lý rủi ro hay chi phí quản lý hợp đồng (không có phí này thì làm sao công ty bảo hiểm có thể duy trì được hoạt động để đền bù cho bạn khi xảy ra rủi ro liên quan đến sức khỏe và tính mạng?). Vì thế, thông thường, nếu bạn chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn và muốn rút tiền ra trong những năm đầu, số tiền nhận về chắc chắn sẽ ít hơn nhiều số tiền bạn đóng vào.
Tôi cũng đã mua bảo hiểm cách đây 10 năm, bắt buộc đóng phí trong hai năm đầu, những năm sau có thể linh hoạt miễn sao số tiền tôi đóng trước đó sau khi trừ chi phí quản lý vẫn đảm bảo dương, thì hợp đồng vẫn có hiệu lực. Điều này có nghĩa là nếu tôi bị tử vong do tai nạn khi hợp đồng vẫn có hiệu lực, thì tôi vẫn được bồi thường. Còn nếu tôi rút ra thì giá trị hoàn lại chỉ bằng khoảng 25% số tiền phí tôi đã đóng.
Nhưng tôi vẫn chấp nhận và thấy đó mới đúng là tính chất của bảo hiểm. Làm gì có loại bảo hiểm nào mà vừa bảo vệ được rủi ro cho khách hàng lại vừa sinh lời như ngân hàng được? Mỗi người hãy tìm hiểu kỹ bản chất của bảo hiểm trước khi quyết định tham gia để tránh những hiểu làm không đáng có. Hãy xem bảo hiểm như một giải pháp bảo vệ cho mình và gia đình khi có rủi ro thôi, đừng xem nó như một công cụ kiếm lời".
>> Tôi lỗ 100 triệu đồng sau 5 năm mua bảo hiểm
Đồng quan điểm, bạn đọc Nhoc Ham Choi nhấn mạnh: "Mọi người phải xác định rõ rằng đã mua bảo hiểm là coi như lỗ về mặt tài chính. Công ty bảo hiểm cũng là một doanh nghiệp kinh doanh, họ thu tiền của khách hàng, và phải trả lương cho bộ máy quản lý, vận hành và phải kinh doanh có lãi. Vì vậy, họ đã tính xác xuất đền bù và chắc chắn số tiền đền bù dự kiến, cộng thêm các khoản hoàn lại cho người mua bảo hiểm, sẽ phải thấp hơn số tiền phí thu về, cộng thêm lãi suất từ số tiền thu về đó.
Tuy nhiên, cái mà người mua được lợi ở đây là sự an tâm, đảm bảo vì mọi người nói chung thường ghét rủi ro. Bạn không thể biết được trong 10, 20 năm tới, bạn có bị tai nạn hay bệnh tật gì không? Vì vậy, khi mua bản hiểm, thực ra là bạn bỏ tiền ra để mua sự yên tâm và được bảo vệ mà thôi. Đừng bao giờ tính chuyện có lãi bằng tiền mua bảo hiểm.
Cái mọi người cần phản đối ở đây nên là cách bán bảo hiểm hiện nay ở nước ta, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải là các sản phẩm bảo hiểm. Vì vậy, mỗi người cần đọc rất kỹ hợp đồng, trao đổi rõ trước khi mua bảo hiểm để tránh lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, tiền mất tật mang vì thiếu hiểu biết".
>> Bạn có gặp rắc rối với hợp đồng bảo hiểm? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.