Chức năng thận của ông Đinh được duy trì ổn định, không suy giảm thêm trong hai năm qua, theo TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Độ lọc cầu thận (eGFR), chỉ số đánh giá khả năng lọc máu của thận, tăng đều từ mức 12,4 ml/phút/1,73 m2 hồi tháng 5 lên xấp xỉ 20 ml/phút/1,73 m2 da trong lần tái khám gần nhất là ngày 19/12.
"Điều này đồng nghĩa bệnh suy thận mạn đã phục hồi từ giai đoạn 5 là giai đoạn cuối, về giai đoạn 4, các chỉ số sức khỏe khác đều ổn định", bác sĩ Dung giải thích.
Hiện định kỳ hai tháng một lần, ông Đinh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM để bác sĩ Dung kiểm tra chức năng thận và khả năng hoạt động của cầu tay chạy thận đảm bảo có thể sử dụng ngay khi cần. Hơn hai năm qua ông Đinh không cần đến bệnh viện lọc máu.
Ông Đinh được phát hiện suy thận mạn hai năm trước, độ lọc cầu thận giảm dưới 15 ml/phút/1,73 m2 da, tương đương suy thận mạn độ 5 (giai đoạn cuối), bác sĩ chỉ định chạy thận để duy trì sự sống.
Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, được bác sĩ Dung chỉ định mổ cầu tay (FAV) để chuẩn bị chuyển sang chạy thận nhân tạo ngay khi cần, bởi tốc độ diễn tiến suy thận ở giai đoạn 5 rất nhanh. Khi ấy ông Đinh đã xuất hiện triệu chứng ngộ độc do urê huyết cao như mệt mỏi, buồn nôn, phù nề tay chân, ngứa da. Ông còn mắc nhiều bệnh nền như đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tăng lipid máu, thiếu máu, tăng kali máu, tăng axit uric máu, xơ vữa mạch máu, xơ gan độ F3 (mức độ xơ gan nặng)... "Đây đều là những bệnh đẩy nhanh tốc độ suy giảm chức năng thận", bác sĩ Dung nói.
Cầu tay là đường vào mạch máu của máy chạy thận nhân tạo. Mổ cầu tay được thực hiện ít nhất 6 tuần mới có thể sử dụng để chạy thận. Nếu không mổ sẵn cầu tay, khi cần lọc máu khẩn cấp buộc phải đặt đường lấy máu (catheter) tại cổ người bệnh, nơi có tĩnh mạch cảnh. Quá trình đặt catheter tiềm ẩn nhiều nguy cơ như làm tổn thương động mạch cảnh (mạch máu cung cấp máu lên vùng đầu và não), tràn khí và dịch màng phổi, nhiễm trùng, tắc catheter, đe dọa tính mạng người bệnh.
Nếu ông Đinh chạy thận, mỗi tuần con trai ông phải xin nghỉ phép ba buổi mỗi tuần để đưa ba đến cơ sở chạy thận cách nhà gần 40 km. Lo con mất việc, ảnh hưởng thu nhập hàng tháng của gia đình và chi phí thuốc thang, ông Đinh đề nghị bác sĩ tìm phương án điều trị khác.
Theo bác sĩ Dung, chạy thận nhân tạo ở người cao tuổi có thể xem là một "gánh nặng" lên thể chất vốn đã suy giảm vì tuổi tác. Ông Đinh lại có sẵn nhiều bệnh nền, chạy thận có thể khiến ông mệt mỏi, lâu phục hồi. Ngoài ra, quá trình chạy thận tạo áp lực lên hệ thống tim mạch, tăng nguy cơ cao huyết áp hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề tim mạch thường gặp ở độ tuổi của ông như xơ vỡ mạch máu, rối loạn nhịp tim, suy tim...
Bác sĩ xây dựng phác đồ thuốc dành riêng cho ông Đinh nhằm bảo tồn chức năng thận, kiểm soát biến chứng do suy thận mạn như thiếu máu, tăng kali máu, tăng axit uric máu. Đồng thời, kiểm soát các bệnh nền thúc đẩy tốc độ suy giảm chức năng thận như đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp, tăng lipid máu.
Bác sĩ Dung cũng hướng dẫn người nhà cách chăm sóc bệnh nhân giúp giảm số lần tái khám định kỳ nhưng vẫn ổn định chức năng thận. Đều đặn mỗi ngày, ông dùng thuốc sau bữa sáng, trưa, tối theo chỉ dẫn của bác sĩ. Song song đó, bác sĩ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm giảm gánh nặng cho thận như ăn nhạt, chế biến đơn giản như hấp, luộc; rau củ luộc chín kỹ; nguồn đạm chủ yếu là thịt nạc, lòng trắng trứng... Ông hạn chế ăn muối, mỡ, đường, thịt bò, hải sản; một số loại trái cây như xoài, nho, cam, chuối, nước dừa, trái cây khô... vì lượng kali cao.
Suốt thời gian này, chức năng thận điểm của ông Đinh có lúc phục hồi về mức eGFR trên 17 ml/phút/1,73 m2, có lúc giảm sâu xuống 10,42 ml/phút/1,73 m2, song bác sĩ Dung vẫn duy trì phác đồ thuốc và dinh dưỡng trên, không chỉ định chạy thận. Chức năng thận của ông Đinh ổn định và cải thiện 6 tháng gần đây.
Tại khoa Nội thận - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhiều người trên 70, thậm chí gần 90 tuổi, được các bác sĩ nỗ lực kéo dài thời gian điều trị, không phải lọc máu.
Bác sĩ Dung cho biết thận bị lão hóa theo tuổi tác do hoạt động lâu năm. Ở người lớn tuổi, kích thước thận dần giảm xuống, làm giảm lưu lượng máu đi qua thận, ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận. Chưa kể, người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh nền kèm theo nên so với những nhóm tuổi khác, người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh suy thận lớn hơn.
Bệnh suy thận mạn ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe thường gặp ở người cao tuổi. Khi các triệu chứng biểu hiện rõ ràng, bệnh đã tiến triển sang giai đoạn muộn. Do người cao tuổi cần định kỳ kiểm tra sức khỏe tổng quát, trong đó có đánh giá chức năng thận, nhằm sớm phát hiện và điều trị bệnh thận hoặc các bệnh ảnh hưởng chức năng thận như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu...
Để giảm nguy cơ mắc suy thận mạn, người cao tuổi cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng bằng cách ăn giảm muối, giảm đường và dầu mỡ, bổ sung lượng đạm phù hợp với độ tuổi, tăng cường ăn nhiều rau củ xanh, chế biến thức ăn đơn giản (luộc hoặc hấp). Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc (cả thuốc tây và đông y), nước lá cây, thực phẩm chức năng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Người có biểu hiện phù nề chân tay, chán ăn, sụt cân nhanh bất thường, hay buồn nôn, dễ mệt mỏi, đau tức ngực và khó thở... cần sớm được đưa đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân để có phương án điều trị, theo dõi sức khỏe phù hợp.
Thắng Vũ
20h ngày 19/12, chương trình tư vấn trực tuyến "Bệnh thận mạn: Làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả" được phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tham gia tư vấn gồm TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, BS.CKII Đinh Cẩm Tú, BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thùy. Độc giả đặt câu hỏi tại đây. |