"Giỏi tiếng Anh, có IELTS (đối với các học sinh có điều kiện) tức là bản thân các em đó đang tạo đà và cơ hội việc làm, cơ hội học tập, cơ hội ra nước ngoài hoặc thậm chí đơn giản là cơ hội làm việc cho công ty nước ngoài tại Việt Nam trong tương lai. Đó là tiền đề và lợi thế cho chính bản thân các em nên không thể đòi hỏi gì hơn. Việc thi tuyển đầu vào THPT phải công bằng và đồng quy với tất cả các môn học khác. Tiếng Anh không nên được đặt ra là 'điều kiện ưu tiên'.
Tôi cũng đồng tình với một ý kiến cho rằng việc coi điều kiện đầu vào THPT (điểm IELTS) lại đủ chuẩn tốt nghiệp đầu ra là bất hợp lý, bởi như vậy thì trong năm các em học cái gì? Thầy cô phải dạy gì? Các em có IELTS có được học môn khác hoặc học nâng cao lên thêm nữa không? Và quan trọng nhất đó là thay vì thời gian phải học để đạt chuẩn đầu ra THPT (điều kiện để được xét tuyển ưu tiên) thì các em lại có thể nghỉ ngơi, vui chơi tuổi học trò, để rồi trong năm học lại vướng 'kiến thức này em đã học rồi'. Như vậy khác gì 'cầm đèn chạy trước ôtô'".
Đó là chia sẻ của độc giả Anhtuan xung quanh câu hỏi "có nên tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có IELTS vào lớp 10 công lập?". "IELTS không phù hợp để xét tuyển lớp 10" cũng là quan điểm của nhiều nhà giáo, chuyên gia Anh ngữ. Thực tế, vài năm gần đây, một số địa phương đưa IELTS vào kế hoạch tuyển sinh lớp 10. Ba hình thức chính được các tỉnh, thành sử dụng là tuyển thẳng, cộng điểm, miễn thi và quy đổi thành điểm môn tiếng Anh cho những thí sinh có IELTS, thường tính từ 4.0/9.0 trở lên. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối tuần trước đã yêu cầu dừng việc này. Theo quy chế tuyển sinh THPT mà Bộ ban hành, không có ưu tiên nào với thí sinh có IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác.
Đồng tình với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không ưu tiên với thí sinh có IELTS trong kỳ thi vào lớp 10 công lập, bạn đọc Thinh Ngo phân tích: "Học được IELTS rất tốt, không ai phủ nhận điều này, vì nó toàn diện các kỹ năng và mang tính hàn lâm (độ chuẩn mực trong văn phong, diễn đạt cao). Tuy nhiên, phải đặt nó vào môi trường phù hợp, lứa tuổi phù hợp, kỳ thi phù hợp.
Ngôn ngữ xét cho cùng là để giao tiếp, để hiểu nhau, văn nói hàng ngày và văn viết cũng rất khác nhau. Thực tế chúng ta không cần 'đao to búa lớn', văn phong chuẩn chỉ, mà có khi lại dùng nhiều tiếng lóng. Đó mới là cái đa dạng của giao tiếp. Ví dụ IELTS chỉ phù hợp với học sinh du học, trong khi với môi trường công sở TOEIC có thể lại được ưu tiên hơn. Thế nên, đừng thần thánh bất kỳ một chứng chỉ nào bởi mỗi loại sẽ có một ưu điểm riêng.
Tùy thuộc vào bạn làm nghề gì, môi trường làm việc của bạn ra sao mới cần kỹ năng nào đó cho phù hợp. Ví dụ, nghề biên phiên dịch thì đương nhiên phải giỏi toàn diện các kỹ năng, nhưng làm trong doanh nghiệp FDI mà chỉ sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ ba (ví dụ các công ty của Nhật, Hàn...) thì người ta cũng chỉ cần bạn nói cho tôi hiểu là được, chứ chẳng ai cần văn phong mỹ miều mà khó hiểu làm gì. Hay một người làm hướng dẫn viên du lịch sẽ ưu tiên kỹ năng 'speaking', trong khi một nhân viên văn phòng bình thường có thể lại chỉ cần 'writing' để viết báo cáo".
>> Khẩu chiến vì 4.0 IELTS được cộng điểm, tuyển thẳng vào lớp 10
Không chỉ chuyên gia, 73% trong hơn 4.200 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress cho rằng không nên tuyển thẳng, ưu tiên thí sinh có IELTS trong tuyển sinh lớp 10 công lập. Độc giả Kukhabh đồng tình: "Là một giáo viên Ngoại ngữ và cũng chuyên dạy luyện thi IELTS, tôi nhận thấy việc xét chứng chỉ IELTS đối với học sinh lớp 10 thật sự chưa hợp lý. Nên dành ưu tiên này để xét tuyển đại học thì tốt hơn, vì khi đó các học sinh đã có những kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn khá tốt về những vấn đề xã hội rồi.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, việc dạy Tiếng Anh chuyên về ngữ pháp và mẹo làm bài tập như hiện nay ở các trường công lập thật sự đã quá lạc hậu. Chúng ta cần có những sự thay đổi về cách dạy để học sinh thật sự có khả năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và làm việc sau này. Không lẽ, khi gặp một người nước ngoài, các em sẽ phải lôi cấu trúc ngữ pháp và mẹo làm bài tập từ thời phổ thông ra để giảng cho người ta hay sao?".
Nói về những hệ lụy nếu dùng IELTS xét tuyển lớp 10, bạn đọc Huy nhấn mạnh: "Con tôi đang học lớp 6 ở Bình Dương. Chủ nhật vừa rồi, tôi nhận được thông báo bằng tin nhắn và cuộc gọi từ giáo viên chủ nhiệm của con nói rằng cho con đến trung tâm ngoại ngữ để kiểm tra, đồng thời phụ huynh cũng phải ở lại họp từ 13h30 tới 17h. Trong suốt cuộc họp, giáo viên của trung tâm cũng chia sẻ vấn đề 'ưu tiên chứng chi IELTS khi xét tuyển vào lớp 10' và khẳng định Bình Dương đang áp dụng quy định đó. Thế nên, họ có ý định mời gọi phụ huynh đăng ký cho con em học IELTS từ sớm.
Trung tâm cũng cam kết học sinh tới lớp 9 thi sẽ đạt 6.5 IELTS trở lên. Cuối buổi họp, có khoảng một nửa số phụ huynh tham dự đăng ký cho con học liền. Riêng tôi do điều kiện kinh tế không cho phép nên không đăng ký. Thế mới thấy việc dùng IELTS xét tuyển vào lớp 10 tạo nên nhiều hệ lụy tiêu cực thế nào cho phụ huynh và học sinh".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.