Đề xuất mở kho dự trữ dầu chiến lược nhằm giảm giá dầu và kích thích phục hồi kinh tế được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước.
Mỹ được cho là có kho dự trữ dầu chiến lược lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc, với tư cách nhà nhập khẩu dầu thô nhiều nhất toàn cầu, cũng đã xây dựng được một kho dự trữ đáng kể cho riêng mình.
Vào những năm 1990, Trung Quốc công bố kế hoạch thiết lập một hệ thống dự trữ dầu mỏ chiến lược giống như Mỹ. Dự án bắt đầu khởi động từ năm 2007 và Trung tâm Dự trữ Dầu Chiến lược Quốc gia được giao nhiệm vụ phụ trách vấn đề này.
Dự án được tiến hành vào thời điểm Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm các nguồn tài nguyên toàn cầu, thu mua dầu thô từ các khu vực như Sudan, Iraq và Venezuela, hay quặng sắt từ Australia và Brazil, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Sau 14 năm, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ nhập khẩu đã tăng lên đáng kể, phần lớn vì nước này là công xưởng của thế giới và vì ngày càng có nhiều người dân sở hữu ô tô cá nhân hơn.
Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 73% lượng dầu mà họ tiêu thụ, so với mức 49% của năm 2007. Là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã mua 542 triệu tấn (4,06 tỷ thùng) vào năm ngoái, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước đó.
Theo kế hoạch, kho dầu của Trung tâm Dự trữ Dầu Chiến lược Quốc gia Trung Quốc sẽ có tổng dung tích 70 triệu mét khối, tạo ra nguồn cung dự phòng tương đương 100 ngày nhập khẩu.
Giai đoạn đầu tiên của dự án là phát triển các kho chứa với dung tích lưu trữ 16,4 triệu mét khối tại bốn cơ sở ven biển, gồm Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, huyện Hoàng Đảo ở Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, huyện Trấn Hải ở Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang và thành phố Chu Sơn ở tỉnh Chiết Giang.
Các kho chứa trong giai đoạn này đã hoàn thành và thông tin về giai đoạn thứ hai bắt đầu xuất hiện trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, dù chúng chưa được xác nhận.
Chính phủ Trung Quốc đã mở rộng kho chứa ở Hoàng Đảo và Chu Sơn, đồng thời xây dựng các cơ sở mới ở thành phố Độc Sơn Tử thuộc Tân Cương, Lan Châu thuộc tỉnh Cam Túc và thành phố cảng Thiên Tân.
Trung Quốc không thường xuyên công bố quy mô dự trữ dầu thô của mình, nhưng vào năm 2018, Tổng cục Thống kê Quốc gia cho biết dự trữ dầu quốc gia, trong đó có cả một số kho chứa của doanh nghiệp, đạt tổng cộng 37,73 triệu tấn, tương đương 280,7 triệu thùng, tính đến giữa năm 2017.
Tuy nhiên, nước này được cho là đã dự trữ một lượng dầu thô đáng kể khi giá dầu lao dốc vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái.
Wang Yongzhong, nhà nghiên cứu năng lượng từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, ước tính dự trữ dầu thô của Trung Quốc tương đương khoảng 40-50 ngày nhập khẩu, vẫn thấp hơn nhiều so với tiêu chí 90 ngày do Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc tế đưa ra.
Trong khi đó, Mỹ thành lập Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) vào năm 1975 và tới nay có khoảng 600 triệu thùng tại, đủ để đáp ứng nhu cầu cả nước trong hơn một tháng.
Vấn đề an ninh năng lượng và khoáng sản đã được tập trung thảo luận trong Hội nghị Trung ương 6 đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây, chỉ vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Trung.
Hồi cuối tháng 9, Trung tâm Dự trữ Dầu Chiến lược Quốc gia Trung Quốc đã mở bán dầu dự trữ công khai đợt đầu tiên nhằm điều chỉnh thị trường nội địa, với 7,38 triệu thùng được giải phóng từ cơ sở Đại Liên.
Trong bối cảnh đó, các học giả Trung Quốc cho rằng lời kêu gọi xả kho dầu của Tổng thống Biden cho thấy ông đang phải vật lộn ứng phó với những áp lực chính trị từ việc tăng giá xăng dầu và hiện thực hóa lời hứa đưa đất nước khôi phục sức mạnh kinh tế trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm sau.
Giá xăng của Mỹ gần đây tăng trung bình gần 1 USD/lít, cao hơn 60% so với một năm trước.
"Giá dầu tăng là vấn đề mà Mỹ coi là nghiêm trọng và họ không thể tự mình giải quyết nó. Hiện tại, đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác với Trung Quốc", Li Haidong, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhận xét.
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sảnTrung Quốc, hôm nay đăng xã luận cho rằng đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đang gặp khó khăn trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2022, khi tình trạng lạm phát tăng kỷ lục ở Mỹ, khiến người dân quay cuồng trong bão giá.
"Hậu quả là chính quyền Biden sẽ phải quay sang Trung Quốc. Đó là hướng đi có lợi cho mọi người, nhưng rõ ràng thể hiện sự trên cơ của Trung Quốc", Global Times nhận xét.
Tờ báo này một ngày trước đó cũng đăng bài viết cho rằng Trung Quốc có thể "làm phúc" với Mỹ bằng cách mở kho dự trữ dầu chiến lược của mình, nhưng sẽ thực hiện dựa trên nhu cầu kinh tế của đất nước, thay vì chỉ tuân theo "yêu cầu từ Mỹ" một cách mù quáng.
Tổng thống Biden hôm 23/11 thông báo Bộ Năng lượng Mỹ sẽ xả 50 triệu thùng dầu từ SPR để hạ giá xăng dầu cho người dân Mỹ và giải quyết chênh lệch cung cầu, theo thông báo từ Nhà Trắng.
Thông báo cũng lưu ý Mỹ sẽ xả kho dầu song song với các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.
Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ ra không sốt sắng với đề nghị này. Một người phát ngôn của Cơ quan Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc cho biết "họ đang thúc đẩy các công việc liên quan đến dầu thô".
Trong cuộc họp báo hôm nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố nước này "sẽ tổ chức xả dầu thô từ kho dự trữ chiến lược theo nhu cầu thực tế của mình", nhưng từ chối bình luận về câu hỏi liệu Trung Quốc có tham gia nỗ lực xả dầu cùng các nước khác theo lời kêu gọi của Mỹ hay không.
Lu Xiang, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ, nhận định Trung Quốc rốt cuộc có thể giải phóng trữ lượng dầu của mình, nhưng quy mô sẽ rất hạn chế vì nước này không phải bên xuất khẩu dầu lớn và chỉ có trữ lượng dầu thô vài tháng.
"Đây là khía cạnh mà Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác, vì giá dầu thô toàn cầu giảm cũng mang lại lợi ích cho Trung Quốc với tư cách quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn. Trung Quốc nên ưu tiên điều gì? Lợi ích kinh tế của chính họ hay tranh chấp giữa hai nước", Huo Jianguo, phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới Trung Quốc, trụ sở Bắc Kinh, cho hay.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng qua trường hợp này, Washington nên thay đổi thái độ "đối đầu" với Bắc Kinh hay bất kỳ nước nào khác, bởi họ đang là quốc gia đi tìm kiếm giúp đỡ.
"Trung Quốc có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu như giảm lượng carbon và ổn định giá hàng hóa, nhưng Mỹ cũng cần đối mặt với trách nhiệm của mình bằng cách không chà đạp lên lợi ích của nước khác", Global Times dẫn lời Dong Shaopeng, chuyên gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Vũ Hoàng (Theo SCMP, Global Times)