Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường mô tả Tổng thống Mỹ Joe Biden là một "lãnh đạo yếu". Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng 10 đăng bài xã luận cho rằng chính phủ của Biden là "chính quyền yếu kém nhất trong lịch sử Mỹ".
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng thường xuyên theo sát các cuộc thăm dò dư luận Mỹ về năng lực của Biden và đưa ra những lời chế giễu khi mức tín nhiệm của Biden rơi xuống mức thấp kỷ lục là 41% trong cuộc khảo sát mới nhất của Washington Post và ABC News.
Trong cuộc thăm dò của NBC News hồi tháng trước, hơn 70% cử tri Mỹ, bao gồm cả đảng viên Dân chủ, nói rằng chính quyền đã đi sai hướng, phàn nàn về nền kinh tế và tình trạng chia rẽ đất nước. Khảo sát mới nhất của CBS News/YouGov cho thấy đa số người dân không đồng tình cách Biden điều hành đất nước và chỉ 4% tin mọi thứ ở Mỹ đang rất tốt.
Huang Jing, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh (BLCU), cho rằng sau thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử thống đốc ở bang Virginia hồi đầu tháng, chính quyền Biden đang ở vị thế "tương đối yếu".
"Ngoài dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD mới được thông qua và hiệp ước an ninh ba bên AUKUS (giữa Mỹ, Australia và Anh), Biden không đạt được nhiều thành tựu ở cả trong và ngoài nước", Huang nói, thêm rằng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đảng Dân chủ hoàn toàn có nguy cơ hứng chịu thất bại trong bầu cử quốc hội giữa kỳ vào năm sau. Biden sẽ gặp khó khăn lớn nếu đảng Dân chủ mất thế đa số tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ vào năm tới.
"Biden hiện ở thế dễ bị tổn thương, vì thế ông có thể phải cứng rắn hơn trong các vấn đề chính sách đối ngoại, đặc biệt là đối với Trung Quốc", Huang nói.
Zhu Feng, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cũng lo ngại Tổng thống Mỹ sẽ theo đuổi quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc nếu các cuộc thăm dò dư luận nước Mỹ tiếp tục cho kết quả đi xuống.
"Sẽ không có kịch bản thiết lập lại quan hệ song phương", Zhu đánh giá. "Chúng ta đang thấy mối quan hệ song phương bớt căng thẳng, nhưng điều này có thể không kéo dài vì chính sách Trung Quốc của Biden có vẻ sẽ bị nghi ngờ trong bầu cử quốc hội giữa kỳ. Biden sẽ phải cứng rắn hơn với Trung Quốc nếu ông ấy muốn củng cố vị thế trong nước".
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước có thể giúp xoa dịu phần nào căng thẳng. Nhưng Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu, trụ sở tại Washington, lưu ý so với ông Tập, ông Biden đang phải chịu áp lực lớn hơn trước các vấn đề kinh tế và chính trị trong nước.
Danh sách các quan chức Mỹ dự hội nghị trực tuyến với Trung Quốc, đặc biệt là sự góp mặt của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Biden dường như đang muốn "dùng quân bài Trung Quốc" để xoa dịu các vấn đề nội địa.
"Chọn Yellen làm bộ trưởng nội các duy nhất ngoài Ngoại trưởng Antony Blinken tham dự hội nghị là một động thái thú vị của Biden", Luft nói. "Nó cho thấy Biden ngày càng lo ngại về tình trạng tỷ giá đôla Mỹ so với nhân dân tệ giảm. Điều này khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt hơn và góp phần làm tăng lạm phát".
"Đây có thể là tín hiệu cho thấy Biden muốn chuyển trọng tâm từ khía cạnh quân sự sang tài chính. Nếu đúng, chúng ta sẽ thấy Yellen đóng vai trò ngày càng tăng trong quan hệ Mỹ - Trung những tháng tới", ông lưu ý.
Chuyên gia Huang từ BLCU tin rằng sự xuất hiện của Yellen tại các cuộc đàm phán đã gửi đi tín hiệu tích cực. "Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là ổn định tài khóa, thứ vẫn là ưu tiên hàng đầu của cả hai bên", bất chấp căng thẳng gia tăng về nhiều vấn đề khác, ông nhận xét. "Đảm bảo ổn định tài khóa là lợi ích của cả đôi bên và không bên nào muốn chứng kiến một cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khác xảy ra".
Về phần Biden, Pang Zhongying, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Hải dương Trung Quốc ở Thanh Đảo, cho rằng Tổng thống Mỹ hiểu rõ về Trung Quốc và hiểu cách tìm điểm cân bằng giữa gây áp lực và giữ liên lạc.
"Ông ấy đã cố tình câu giờ với Bắc Kinh trong lúc tìm cách hồi sinh mạng lưới đồng minh Mỹ, đồng thời củng cố ủng hộ từ các đồng minh và đối tác về chính sách với Trung Quốc", Pang nói.
Theo ông, đạo luật cơ sở hạ tầng mới được thông qua sẽ mang lại cho Biden động lực lớn ở trong nước.
"Bắc Kinh nên coi trọng việc Biden là chính trị gia lý trí, người về cơ bản thân thiện với Trung Quốc và coi trọng hợp tác Mỹ - Trung, bất chấp tất cả những gì ông ấy nói về cạnh tranh", Pang bình luận. "So với Donald Trump, nhiệm kỳ tổng thống của Biden vẫn mở ra cơ hội cho Trung Quốc".
Nhưng truyền thông Trung Quốc dường như vẫn có góc nhìn khác về Biden. Không chỉ gọi Biden là "Tổng thống yếu ớt" sau khi nhậm chức hồi tháng một, Global Times gần đây còn đăng bài xã luận ca ngợi "Trung Quốc đã chống lại hành vi bắt nạt của Mỹ trên mọi mặt trận một cách hiệu quả".
Yun Sun, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng truyền thông nhà nước Trung Quốc đánh giá thấp chính quyền Biden là điều không khôn ngoan. "Đạo luật cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy chính quyền Biden có vị thế vững chắc. Tôi không thể nghĩ ra lý do mọi người muốn coi nhẹ Biden, ngoài việc điều đó có thể khiến bản thân họ cảm thấy thoải mái", bà cho hay.
Cheng Li, chuyên gia tại Viện Brookings, lưu ý rằng trong khi Tổng thống Mỹ thiếu động lực chính trị để hâm nóng mối quan hệ thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phải đối mặt với "những vấn đề lớn" trong nước.
"Trung Quốc phải đối mặt với vô số thách thức khó khăn, như bất bình đẳng kinh tế, nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản hay áp lực thất nghiệp", Cheng nói tại một hội thảo trực tuyến sau cuộc gặp Biden - Tập.
Huang từ BLCU cũng đồng tình rằng các vấn đề trong nước là thách thức lớn đối với cả đôi bên. "Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc phần lớn sẽ được định đoạt bởi một cuộc chiến phụ thuộc vào bên nào có khả năng giải quyết các vấn đề trong nước tốt hơn", ông đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)