Tom Perriello lường trước chuyện sẽ xảy ra nhưng không thể làm gì để ngăn cản. André Kapanga cũng thế. Dù đã nhờ cậy khắp nơi, họ vẫn phải bất lực nhìn một công ty do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn giành quyền sở hữu một trong những mỏ cobalt lớn nhất thế giới từ tay người Mỹ.
Đó là vào năm 2016, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Freeport-McMoRan, gã khổng lồ ngành khai khoáng có trụ sở tại Arizona, Mỹ, với Trung Quốc. Theo đó, Freeport-McMoRan đồng ý bán mỏ cobalt Tenke Fungurume tại Cộng hòa Dân chủ Congo cho Bắc Kinh và mỏ này hiện đóng vai trò tối quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát nguồn cung cobalt toàn cầu.
Cobalt, kim loại quý có màu xanh da trời đặc trưng còn được gọi bằng biệt danh "vàng xanh", là một trong những nguyên liệu thô thiết yếu cho sản xuất pin ôtô điện, phát minh quan trọng giúp loại bỏ động cơ đốt trong và nhiên liệu hóa thạch gây biến đổi khí hậu.
Perriello, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở châu Phi vào thời điểm đó, đã lên tiếng cảnh báo Bộ Ngoại giao nước này. Kapanga, lúc bấy giờ là tổng giám đốc mỏ cobalt của Congo, thậm chí đã nhờ cậy đại sứ quán Mỹ tại CHDC Congo can thiệp.
"Đây là một sai lầm", Kapanga khi ấy cảnh báo giới chức Mỹ. Theo ông, để mất mỏ Tenke Fungurume cũng đồng nghĩa Mỹ đã lãng phí hàng chục năm xây dựng mối quan hệ ở CHDC Congo, nơi nắm giữ 2/3 trữ lượng cobalt của thế giới.
Bắt đầu từ thời tổng thống Dwight D. Eisenhower, Mỹ đã gửi hàng trăm triệu USD viện trợ, trong đó có cả máy bay vận tải và các thiết bị quân sự khác, cho Congo.
Tổng thống Richard Nixon cũng như Bộ Ngoại giao dưới thời Hillary Clinton cũng nỗ lực duy trì mối quan hệ. Tập đoàn Freeport-McMoRan cũng đã đầu tư hàng tỷ USD vào CHDC Congo trước khi bán mỏ cho Trung Quốc.
Mỏ cobalt Tenke Fungurume được bán vào những tháng cuối cùng của chính quyền Barack Obama. 4 năm sau, dưới chính quyền Donald Trump, một mỏ cobalt khác lại được Freeport-McMoRan mang ra rao bán. Lần này, người mua vẫn không đổi là công ty China Molybdenum đến từ Trung Quốc.
Nỗ lực mua các mỏ cobalt ở Congo được coi là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh, giúp họ có xuất phát điểm thuận lợi hơn đáng kể trước Mỹ trong cuộc đua điện khí hóa ngành công nghiệp ôtô, từ lâu đã là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng một cuộc điều tra của New York Times đã tiết lộ lịch sử ẩn sau các thương vụ mua mỏ cobalt kể trên, trong đó Mỹ về cơ bản đã thất thế trước Trung Quốc khi không thể bảo vệ các khoản đầu tư tài chính và ngoại giao của mình suốt nhiều thập kỷ ở Congo.
Thương vụ cũng làm bật lên những thay đổi địa chính trị mà cuộc cách mạng năng lượng sạch tạo ra, ở đó những quốc gia giàu cobalt, lithium và các nguyên liệu thô khác cần cho sản xuất pin bỗng đóng vai trò to lớn như những gã khổng lồ dầu mỏ.
Suốt hàng thập kỷ, Mỹ lo ngại rằng Liên Xô sẽ giành quyền kiểm soát đồng, cobalt, uranium và các nguyên liệu khác của Congo để phục vụ sản xuất quốc phòng.
Sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Mỹ đã hào phóng viện trợ tài chính cho CHDC Congo, nhờ đó các công ty Mỹ cũng hoạt động thuận lợi hơn ở quốc gia châu Phi này.
Perriello, người đã rời chính phủ, cho hay ông đã biết về kế hoạch bán Tenke Fungurume vào năm 2016 không lâu sau khi đi tham quan khu mỏ. Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng Mỹ sở hữu nó là điều tốt cho không chỉ dân Mỹ và còn cả người dân CHDC Congo.
Freeport-McMoRan cũng có danh tiếng tốt ở CHDC Congo khi tuyển dụng hàng nghìn lao động địa phương và đã xây dựng nhiều trường học, phòng khám, điểm cung cấp nước sạch hỗ trợ cộng đồng.
"Chúng ta có thể làm gì?", Perriello nhớ lại đã hỏi Linda Thomas-Greenfield, khi đó là trợ lý ngoại trưởng phụ trách châu Phi, hiện là đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, về việc làm thế nào để giữ được khu mỏ.
Theo Perriello, ông cũng nêu vấn đề này với Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC). Tuy nhiên, người phát ngôn của Thomas-Greenfield cho biết bà nhớ về vụ bán mỏ nhưng không nhớ cuộc nói chuyện với Perriello. Một số thành viên NSC cũng nói họ không thể nhớ đã từng trao đổi việc này với Perriello hay chưa.
Các nhà thầu nghiêm túc duy nhất tham gia mua khu mỏ đến từ Trung Quốc. "Họ có thể hành động nhanh hơn bất kỳ ai khác. Vì vậy, chúng tôi đã hoàn thành thỏa thuận", Kathleen L. Quirk, chủ tịch Freeport-McMoRan, cho biết.
Freeport-McMoRan trước đó đã quyết tâm bán khu mỏ cobalt. Công ty đặt cược vào ngành dầu khí ngay trước khi giá dầu giảm và thế giới bắt đầu chuyển sang năng lượng tái tạo. Với nợ nần chồng chất, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài từ bỏ hoạt động tại CHDC Congo.
Chính quyền Mỹ không thể can thiệp vì về bản chất, đây là một giao dịch tài chính đơn thuần. Ủy ban Đầu tư Nước ngoài có thể xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vào các công ty Mỹ để đánh giá rủi ro an ninh quốc gia, song không có quyền giám sát các giao dịch của công ty Mỹ ở nước ngoài.
Trong năm qua, khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch được đẩy mạnh, chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân đã cố gắng tăng tốc để khắc phục những sai lầm trong quá khứ, lùng sục khắp thế giới tìm nguồn cung cobalt mới và lắp đặt pin không chứa cobalt trong một số mẫu ôtô điện với tầm hoạt động ngắn hơn. Nhưng tất cả những nỗ lực đó đều không thể bắt kịp Trung Quốc.
Vào cuối năm 2007, dự án Freeport-McMoRan bắt đầu được triển khai với toàn bộ công suất. Nhưng đường sá tồi tệ đến mức phải mất cả ngày chỉ để lái xe vượt 160 km từ thành phố gần nhất.
Freeport-McMoRan lập tức đẩy mạnh xây dựng hạ tầng tại khu vực. Họ giúp xây dựng một đường cao tốc khang trang để chuyển đồng và cobalt đến các khu vực khác của châu Phi. Để đảm bảo nó có đủ năng lượng, công ty sẵn sàng chi 215 triệu USD để cải tạo một nhà máy điện đã cũ.
"Thật sự ấn tượng", Pierrot Kitobo Sambisaya, nhà luyện kim đã làm việc tại mỏ hơn 10 năm, nhận xét. "Tôi gọi đó là phong cách Mỹ".
Freeport-McMoRan và Lundin còn khoan hàng loạt giếng để cung cấp nước sạch cho 64 ngôi làng, xây dựng trường học để phục vụ hơn 12.000 học sinh và ở Fungurume, nơi dân số bùng nổ khi công nhân đổ đến mỏ làm việc, họ cũng xây dựng một khu chợ lớn giúp người dân buôn bán thuận lợi hơn trong mùa mưa bão.
Freeport-McMoRan và Lundin còn hỗ trợ một doanh nghiệp sản xuất gạch địa phương với khoảng 370 lao động, tài trợ cho một dự án chống sốt rét và nhiều khu vườn để bảo tồn các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tổn hại do hoạt động tại khu mỏ.
"Họ đào tạo công nhân Congo không chỉ cho những công việc nhỏ nhặt mà còn giúp họ lấy bằng cấp tại các trường đại học tại Mỹ và những nơi khác", Perriello cho hay.
Freeport-McMoRan đã phát triển một trong những mỏ đồng và cobalt hiện đại cũng như năng suất nhất thế giới. Nhưng không lâu sau, chính phủ CHDC Congo bắt đầu thúc ép công ty chia sẻ lợi nhuận lớn hơn.
Công ty phải nhờ Washington hỗ trợ và Bộ Ngoại giao Mỹ, dưới sự chỉ đạo của ngoại trưởng Clinton, đã cử đại sứ đến khu mỏ.
Đại sứ William J. Garvelink thuyết phục giới chức CHDC Congo rằng Freeport-McMoRan, không giống các công ty khác mà ông mô tả là "cao bồi" chỉ để cố gắng kiếm tiền nhanh chóng, có tầm nhìn dài hạn về hoạt động tại Congo.
CHDC Congo chấp thuận nhượng bộ, đồng ý tăng tỷ lệ sở hữu ở mức tương đối khiêm tốn, từ 17% lên 20%. Trước đó, mỏ Tenke Fungurume thuộc sở hữu của Freeport-McMoRan, Tập đoàn Lundin, một công ty khai mỏ Canada, và tập đoàn khai khoáng nhà nước Congo Gécamines với tỷ lệ lần lượt là 57,75%, 24,75% và 17,5%.
Khi ký kết thỏa thuận mới vào năm 2010, Richard Adkerson, giám đốc điều hành Freeport-McMoRan, khẳng định công ty "cam kết tiếp tục mối quan hệ hợp tác tích cực" với CHDC Congo "trong nhiều thập kỷ tới".
Nhưng cam kết này chỉ kéo dài 6 năm. Freeport-McMoRan đã mắc một sai lầm lớn. Thay vì đẩy mạnh khai thác cobalt, họ lại mạo hiểm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, chi 20 tỷ USD mua hai công ty dầu khí vào năm 2012.
Khi giá dầu giảm mạnh, Freeport-McMoRan chìm trong nợ nần. Công ty phải đóng cửa các giàn khoan dầu ngoài khơi Vịnh Mexico, sa thải hàng trăm công nhân và tìm kiếm người mua lại trong vô vọng.
Freeport-McMoRan cuối cùng phải đi đến quyết định bán cổ phần tại mỏ Tenke Fungurume nhằm bù đắp cho những khoản thua lỗ.
"Tôi rất đau lòng khi phải làm điều này", Adkerson nói hồi năm 2016 khi thông báo quyết định bán Tenke Fungurume.
Toàn bộ cổ phần của công ty đều được các nhà thầu đến từ Trung Quốc mua lại. Được hỗ trợ bởi những khoản vay hàng tỷ USD của chính phủ, các công ty khai khoáng Trung Quốc chỉ chờ cơ hội này.
Nhà thầu đặt giá cao nhất là China Molybdenum với 2,65 tỷ USD. Công ty có sẵn tiền và nó cho phép họ "hành động rất nhanh chóng", Adkerson nhớ lại.
Tin tức này đã gây bối rối cho các nhà điều hành mỏ, trong đó có Kapanga, tổng giám đốc mỏ. Ông liền gọi điện cho đại sứ Mỹ James Swan.
"Tenke Fungurume là viên ngọc quý trên vương miện", Kapanga nói, cho rằng Mỹ đang từ bỏ khoản đầu tư tư nhân lớn nhất vào Congo một cách khó hiểu. Đại sứ Swan từ chối bình luận.
Tại Washington, chính quyền Obama nhận thức rõ tầm quan trọng của cobalt đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như mức độ phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cobalt ở nước ngoài.
Một báo cáo của Nhà Trắng chỉ ra rằng nhu cầu cobalt đang bùng nổ trên toàn cầu, trong khi nguồn cung trong nước còn hạn chế. Hầu hết cobalt đến từ CHDC Congo và Trung Quốc đang bắt đầu chiếm lĩnh thị trường.
Báo cáo đề xuất đưa cobalt vào danh sách các khoáng sản thiết yếu nhằm duy trì "chuỗi cung ứng ổn định và linh hoạt cho các công nghệ mới nổi quan trọng trong tương lai".
Giải pháp Nhà Trắng đưa ra là xây dựng một hệ thống "cảnh báo sớm" nhằm đảm bảo chính quyền nắm thông tin kịp thời về các mối đe dọa đối với nguồn cung cobalt.
Chuông báo động đã vang lên, nhưng dường như không ai ở Washington lắng nghe. Rick Gittleman, nhà điều hành mỏ kiêm luật sư từng làm việc tại Freeport-McMoRan ở CHDC Congo, đã cảnh báo tướng James L. Jones Jr., cố vấn an ninh quốc gia dưới chính quyền Obama.
Nhưng tướng Jones không có bất kỳ hành động nào. "Không có ai quan tâm đến nó", Gittleman cho hay.
Thương vụ mua bán Tenke Fungurume khép lại vào tháng 11/2016, chỉ vài tuần sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống. Nó không gây chú ý tại Mỹ, ngoại trừ các kênh tin tức về tài chính.
Không lâu sau khi nhậm chức, Trump đã phát đi tín hiệu rằng kiềm chế những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị nguồn cung khoáng sản toàn cầu có thể là một trọng tâm chính trong chương trình nghị sự ông theo đuổi. Chính quyền Trump đã đưa ra một số báo cáo về cobalt và khả năng thiếu hụt nguồn cung, lưu ý đến thương vụ bán Tenke Fungurume.
Cobalt cũng nằm trong danh sách các kim loại và khoáng sản được coi là quan trọng "đối với an ninh và thịnh vượng kinh tế quốc gia" dưới chính quyền Trump.
Tuy nhiên, lịch sử đã lặp lại.
Freeport-McMoRan vẫn sở hữu một mỏ cobalt chưa phát triển nằm sâu trong rừng ở CHDC Congo.
Khi công ty thông báo vào cuối năm ngoái rằng họ có ý định bán mỏ này, được biết đến với tên gọi Kisanfu, chính phủ Mỹ không đưa ra bất kỳ phản ứng nào.
"Không ai bàn bạc gì về nó", Nazak Nikakhtar, cựu trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách theo dõi các nguồn cung khoáng sản quan trọng, cho hay. "Thật kinh khủng. Điều này thật sự đáng tiếc".
Mỏ Kisanfu sau đó được bán cho China Molybdenum với giá 550 triệu USD như đã thông báo, một tháng trước khi Trump rời nhiệm sở. Cùng với đó, khoản đầu tư lớn cuối cùng của Mỹ vào các mỏ đồng và cobalt tại Congo cũng bốc hơi. Tập đoàn China Molybdenum và chính phủ Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)