Theo thống kê mới nhất, Việt Nam ước đạt 12,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay, vượt xa con số đặt ra hồi đầu năm là 8 triệu lượt và đạt mục tiêu điều chỉnh vào tháng 10 là 12,5-13 triệu lượt. Chưa hết, tại lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới 2023, Việt Nam được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu". Nhiều thành phố, doanh nghiệp Việt nhận giải thưởng ở nhiều hạng mục danh giá khác.
Những con số thống kê ấn tượng về du lịch Việt Nam năm 2023 hẳn nhiên sẽ khiến nhiều người lạc quan về đà phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, tôi rất đồng ý với quan điểm của nhiều chuyên gia khi cho rằng "rất khó để nói du lịch năm nay thành công rực rỡ". Không những thế, dù mở cửa du lịch sớm hơn so với nhiều nước trong khu vực, nhưng chúng ta lại chưa thành công trong việc hút khách quốc tế, lép vế hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia...
Vậy cần làm gì để du lịch Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, phát triển một cách bền vững thay vì cứ chật vật làm năm nào biết năm đó? Tôi rằng, muốn có được câu trả lời chính xác nhất, những người làm du lịch phải trực tiếp đi du lịch các nước khác trong khu vực với tâm thế tiếp thu và học hỏi để trả lời cho câu hỏi: "Khách du lịch quốc tế cần gì ở nơi họ đến?". Từ đó, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan và rõ ràng nhất về những thứ mà mình đang có, đã đáp ứng được các yêu cầu của du khách hay chưa?
Nếu nói về du lịch danh lam thắng cảnh, thì nói một cách công tâm, ở đâu cũng có, nước nào cũng có, mỗi nơi sẽ có một đặc điểm, ấn tượng riêng. Tất nhiên đẹp hay không còn là tùy ở sở thích, gu thưởng thức của mỗi người. Chúng ta không thể cứ vỗ ngực cho rằng "cảnh đẹp thiên nhiên của mình là nhất" để rồi ung dung "hữu xạ tự nhiên hương", người ta thấy đẹp sẽ tự đến.
>> Rất vô lý nếu đòi hỏi Phú Quốc 'cái gì cũng phải rẻ'
Nên nhớ rằng, người ta luôn nói đến khái niệm "dịch vụ du lịch", có nghĩa là "dịch vụ" mới là trọng điểm. Trong khi đó, nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta đã và đang có gì ở mảng dịch vụ?
Thứ nhất, tình trạng chèo kéo, chặt chém, kinh doanh không minh bạch tràn lan khắp nơi. Tất cả những nơi tôi từng đến du lịch ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... khi mua bất cứ món đồ gì, tôi cũng chẳng cần phải hỏi giá vì tất cả đã được niêm yết rất rõ ràng, ưng ý thì mua, không thì thôi. Còn ở ta, chuyện này rất hiếm vì người buôn bán còn mang tư tưởng "nhìn khách để nói thách".
Thứ hai, vấn đề vệ sinh và an toàn ở ta chưa đảm bảo. Cứ thử đi vào các nhà vệ sinh ở sân bay trong nước và so sánh với những nhà vệ sinh công cộng ở bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt một trời, một vực. Trong khi người ta thường đánh giá một người chủ sạch hay dơ là ở chính cái nhà vệ sinh của họ, nên việc để những nhà vệ sinh hôi hám, mất vệ sinh ở ta sẽ chẳng khác nào tạo ấn tượng rất tệ với khách nước ngoài khi lần đầu đặt chân tới Việt Nam.
Thứ ba, chúng ta vẫn tự hào rằng người Việt nổi tiếng thân thiện. Nhưng cứ thử vào các cửa hàng, chợ truyền thống bán đồ lưu niệm rồi trả giá mà không mua hàng xem, bạn sẽ thấy rõ sự "thân thiện" ấy thế nào? Chưa kể, tới bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực, tôi cũng chẳng thấy có ai thiếu thân thiện với mình cả, nên chuyện lấy yếu tố "con người thân thiện" ra để làm thế mạnh nhằm hút khách du lịch quốc tế là chuyện không hiệu quả.
Thứ tư, hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam vẫn gần như không có, hoặc nếu có thì cũng thưa thớt, bất tiện và thiếu hướng dẫn cụ thể. Chúng ta ai cũng biết rằng, 90% du khách quốc tế khi đi du lịch tự túc đều ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí. Còn chúng ta buộc du khách đi và đến sân bay bằng một loạt các dịch vụ taxi với giá trên trời, vậy làm sao khiến người ta thấy hài lòng và muốn quay lại?
Tóm lại, nếu người làm du lịch Việt Nam không sớm cải thiện những thứ tưởng chừng như rất cơ bản, nhỏ nhặt trên, mà cứ chỉ tập trung quảng bá, quảng cáo nọ kia thì du lịch nước nhà vẫn sẽ mãi chật vật với câu chuyện chỉ tiêu tăng trưởng nhỏ giọt mỗi năm...
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.