Tôi tự hào là người Việt, từng sống, làm việc và du lịch tại hơn 40 tỉnh thành trên cả nước. Tôi cũng rất yêu thích thiên nhiên, vẻ đẹp mỗi vùng đất trên dải đất Việt Nam. Nhưng tôi phải thẳng thắn thừa nhận rằng mình du lịch để ngắm cảnh hay chụp ảnh chỉ chiếm 20% thời gian, còn lại du khách thường muốn trải nghiệm đời sống, văn hóa, ẩm thực địa phương.
Tuy nhiên, văn hóa, đời sống sinh hoạt, kinh doanh, giao thông, ăn uống của chúng ta hiện nay còn rất thấp so với các nước trong khu vực: tình trạng chen lấn, chèn ép khi đi đường; xả rác nước thải bừa bãi; nói thách giá, chặt chém; giao tiếp thô lỗ, to tiếng, khạc nhổ bừa bãi; buôn bán, ăn uống mất vệ sinh, thực phẩm bẩn...
Đi đâu tôi cũng thấy cảnh nói thách giá, "chặt chém" kiểu ăn xổi, nên dù chúng ta có loại hình dịch vụ tốt đến mấy thì khách du lịch vẫn đánh giá xấu và có cái nhìn ác cảm. Khách du lịch ngày nay muốn dành thời gian trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, mua sắm nhiều hơn là tham quan cảnh đẹp một cách đơn điệu. Thế nên, những người làm du lịch, dịch vụ ở ta cũng cần thay đổi quan điểm và cách hoạt động của mình.
Tôi đi du lịch và công tác ở một thành phố biển cả chục lần, nhận thấy nạn chặt chém diễn ra từ lề đường đến chợ, nhà hàng. Đi mua hải sản khô, tôi hỏi giá nhưng chưa kịp dứt lời thì người cùng quầy báo hai giá lệch nhau tới 40%. Đi ăn nhà hàng ven biển, tôi thấy giá hải sản tươi (không sống) cũng cao hơn 60% giá ngoài vựa, chưa tính công, nguyên liệu làm món. Đi taxi từ sân bay về khách sạn ở biển chưa tới 5 km nhưng tôi bị hét giá 600.000 đồng với lý do chở vali nặng... Tất cả những thứ đó khiến tôi có cảm nhận không mấy vui vẻ về du lịch nơi đây.
Ở nơi khác, tình trạng cũng tương tự. Khách sạn 4 sao ngày thường có giá tới 3 triệu đồng một đêm, vé máy bay khứ hồi giá 5 triệu đồng, giá hải sản cao hơn đất liền dù đây là vùng biển, các dịch vụ khác cũng đắt đỏ vì lý do ngoài đảo. Trong khi đó, khu bờ biển bụi bặm, công trình ngổn ngang, ồn ào cả ngày. Vào khu đô thị chơi, tôi thấy giống như đi dạo tham quan, rồi ăn uống qua loa, chứ chưa có trải nghiệm văn hóa, chương trình gì đặc biệt cả. Tôi đi tổng cộng bốn ngày mà chỉ tham quan được hai ngày, còn lại ngủ ở khách sạn.
>> Cần minh bạch dự án lấn biển ở Hạ Long
Nhìn vào quy hoạch đảo Koh Samui ở Thái Lan, có thể thấy họ có một bờ biển thoáng đãng, xây dựng resort, khách sạn xen kẽ với thiên nhiên, mật độ xây dựng rất thưa, không chiếm dụng mặt biển, không phân lô. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều thành phố ven biển ở ta. Muốn là đất nước du lịch, chúng ta cần chiến lược tổng thể, toàn diện. Còn cứ đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau thì sẽ mãi không thể phát triển được.
Chúng ta làm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên thắng cảnh nhưng dịch vụ du lịch, văn hóa, quảng bá đều manh mún, nên hầu như chỉ là lựa chọn cho nhóm khách lần đầu đến Việt Nam hoặc đi theo dạng chi tiêu vừa phải, khách lớn tuổi là chính. Họ đi một, hai lần là không muốn quay lại nữa.
Đặt câu hỏi tại sao Indonesia, Thái Lan, Singapore cũng phát triển du lịch như chúng ta, thậm chí thiên nhiên, thắng cảnh không hơn nước ta, nhưng thời điểm này du lịch của họ vẫn tăng trưởng, khách du lịch quốc tế lắp đầy các khu nghỉ dưỡng, đường sá, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ bên đó vẫn đang sống tốt, là vùng sáng trong phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP của họ?
Trong khi đó, chúng ta năm nào cũng thống kê số lượt khách tăng trưởng, số tiền chi tiêu cao... nhưng mùa cao điểm mà khách không thấy đâu, còn doanh nghiệp dịch vụ, du lịch lần lượt phá sản. Đó là một thực tế rất đáng để suy ngẫm.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.