Tôi vừa ra trường và đang làm tại một công việc văn phòng, và tôi nghĩ trải nhiệm dưới đây của tôi có thể cũng giống với trải nhiệm của nhiều người trẻ đã tốt nghiệp đại học.
Sinh viên tốt nghiệp như tôi có nhiều bằng cấp, được đào tạo chuyên sâu, nhưng nhiều người không tìm được việc làm vận dụng hết khả năng mình. Nhiều người có hai bằng đại học, nhưng chỉ có thể tìm được một việc làm mà một người trình độ lớp 9 cũng có thể làm được. Thế hệ bố mẹ chúng tôi hay cười: "Việc nào chẳng là việc, đúng là mấy cô cậu hay than thở".
Nhưng đại diện cho nhiều người trẻ chúng tôi, tôi muốn nói rằng một công việc nhàm chán có ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người trẻ được đào tạo chuyên môn cao, và làm phí vốn tiềm năng của xã hội.
Nhà nhân chủng học David Graeber vào năm 2018 đã viết cuốn sách Bullshit Jobs (tạm dịch là Những nghề vớ vẩn) dựa trên một bài văn cùng tên ông viết năm 2013. Trong bài văn, ông nhận thấy rằng thế kỷ 21 đã tạo ra rất nhiều việc làm gọi nôm na là việc văn phòng.
>> Tôi không có nổi 30 triệu phòng thân vì thích tiêu tiền
Theo lý thuyết kinh tế, nếu xã hội giàu lên và năng suất lao động tăng, thì số giờ làm việc đáng lẽ phải giảm. Các công ty muốn làm ra lợi nhuận thì không nên thuê những nhân viên mà họ không cần. Nhưng chúng ta ai cũng biết đó không phải sự thật. Không ai biết tại sao số nhân viên văn phòng ngày một tăng, và những ai làm việc văn phòng như tôi thì đều biết rằng việc của chúng ta mất chắc tối đa là 15 giờ mỗi tuần để làm hết, và thời gian rảnh thì ta phải giả vờ làm việc: từ lướt Facebook đến xem phim hay thậm chí làm thơ.
Người lớn tuổi thì nghĩ việc nhàn thì có sao, nhưng sự thực là không người trẻ nào muốn làm người vô tích sự. Sinh viên tốt nghiệp đang phải làm những việc bàn giấy vô nghĩa như thế này. Đương nhiên tôi không muốn thuyết phục những người có việc làm có ý nghĩa rằng việc làm của họ là vô ích. Nhưng còn những bạn trẻ cảm thấy việc làm của mình là vô nghĩa và không giúp một ai thì sao?
Tôi làm ngân hàng, và tôi chưa gặp ai làm ngân hàng thực sự coi việc làm của họ là có ý nghĩa cả. Một nửa số đồng nghiệp của tôi có thể biến mất ngày mai, và xã hội chắc sẽ không thay đổi gì mấy. Làm sao để con người ta có thể tự hào về công việc của mình khi con người ta nghĩ rằng công việc của mình thậm chí không xứng đáng tồn tại?
>> Thất nghiệp - ác mộng của phụ nữ trung niên
Tôi thấy rằng xã hội ta đã tìm ra cách, và đó là phải bắt nạt những người mà chúng ta nghĩ rằng công việc của họ quả thực là có ích. Tôi nghĩ thái độ phẫn nộ và dè bỉu của nhiều người tới thầy cô giáo, nhân viên y tế hay nhân viên vệ sinh là do họ ghen tị với những người có việc làm có ý nghĩa; không mấy ai than phiền rằng lương của những người có ích này là quá thấp.
Thế nhưng xã hội chắc chắn sẽ gặp rắc rối nếu những người này quyết định không làm việc nữa. Những người làm việc có ích cho xã hội thì ăn lương thấp và chịu khổ, còn những người còn lại thì hầu như không làm việc gì mấy. Tôi không biết phải giải quyết vấn đề này như thế nào.
Nguyễn Mạnh Đức
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.