Dãy trọ gần nhà tôi chỉ có hơn chục phòng nhưng dường như là cả một xã hội thu nhỏ. Người thì độc thân, người thì gia đình một vợ hai con, người quê ngoài Bắc, người quê miền Trung...đủ cả.
Cách đây vài tháng, một chị tầm 38-39 tuổi trong phòng trọ gặp tôi than thở chị đã nghỉ việc vài tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được việc mới. Lúc trước chị làm công nhân trong khu công nghiệp gần đó. Vì ảnh hưởng của Covid-19 nên công ty cắt giảm nhân sự, trong đó có chị. Chị bảo đã cầm túi đi rải hồ sơ ở nhiều chỗ nhưng chưa thấy bất kỳ động tĩnh gì.
Lên mạng tìm việc thì tuổi tác là trở ngại đầu tiên khi chỗ nào cũng tuyển người từ 18- 35 tuổi. Chị đang định đi hỏi vay vài triệu đồng làm vốn, mua các loại khô, trứng vịt lộn rồi bài bán buổi tối trước hẻm để kiếm thêm thu nhập. Chị nói rằng chờ thêm vài tuần nữa nếu không chỗ nào nhận thì sẽ đi xin việc ở các công trường xây dựng, may ra sẽ được nhận.
Trên thực thế, nhiều người trong độ tuổi trung niên khi thất nghiệp sẽ có một hành trình vô cùng gian nan khi tìm việc mới. Không chỉ những lao động phổ thông mà những lao động có chút ít trình độ, làm việc văn phòng cũng có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh này.
Cô em vợ tôi từng có lúc cũng than thở vì bị đồng nghiệp ở công ty xem thường. Cô mới 36 tuổi mà đã bị các đồng nghiệp trẻ tuổi ở công ty chê già, ý tưởng cổ lỗ mỗi khi họp phòng ban. Thời gian qua cô ấy chỉ biết cặm cụi làm việc rồi về nhà với chồng con và tự thu mình trong công ty. Em vợ tôi bảo rằng các bạn trẻ bây giờ được học ngoại ngữ, tiếp cận internet từ sớm nên rất năng động và giỏi giang, các em ấy thực sự là "mối nguy cơ" với người trung niên chậm tiến trong các công ty, xí nghiệp.
Tôi cho rằng ai cũng có nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường lao động, dù cho là lao động phổ thông hay lao động có chuyên môn. Một trong những biện pháp để đối phó là phải nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức liên tục và phấn đấu lên vị trí quản lý hoặc sếp các phòng ban càng nhanh càng tốt, tối ưu nhất là độ tuổi 35. Từng ngồi ở vị trí quản lý nếu bị thất nghiệp và đi xin việc cũng sẽ dễ được ưu tiên hơn người chỉ làm vị trí "culi" hơn chục năm trời.
Sẽ có người hỏi vặn lại rằng: "Nếu ai cũng làm sếp thì ai làm lính?". Tôi xin trả lời rằng trong lúc người khác phấn đấu cho sự nghiệp thì bạn làm gì? Nếu bạn chấp nhận làm lính thì khi bị sa thải hoặc không xin được việc thì chớ kêu ca. Nếu như không thích làm sếp thì bạn phải rèn luyện cho mình đạt đến trình độ rất cao trong công việc chuyên môn để khi công ty lên danh sách sa thải, họ phải né bạn ra.
Lê Trung Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.