Bạn là người trẻ tuổi, bạn thích đi du lịch, mở một công ty, tham gia vào mạng lưới kinh doanh, hay muốn rời xa nơi đang sống để tham dự một khóa tu nào đó trong vòng vài tuần lễ. Bạn cảm thấy điều đó cần thiết để làm phong phú kiến thức cho bản thân. Nhưng khi bạn nói điều đó với những người lớn tuổi bạn lại nhận được quan điểm ngược lại.
Trong những cuộc tranh luận rơi vào bế tắc, chắc hẳn bạn từng nghe tới câu "trứng mà đòi khôn hơn vịt" để chứng tỏ rằng những luận điểm bạn đưa ra không đủ sâu sắc và thuyết phục. Tôi đã từng trải qua hoàn cảnh đó.
Những người thường nói câu ngày đa phần là người có tuổi hoặc bề trên. Có thể đó là những người trong gia đình như bố mẹ, ông bà, chú bác hay là những người xa lạ lớn tuổi như bác cán bộ già, những chú bảo vệ trong cơ quan... Ở đây tôi chỉ muốn đề cập tới hoàn cảnh là những lập luận bạn đưa ra mang tính đúng đắn nhưng lại bị bác bỏ bởi suy nghĩ cảm tính của người lớn tuổi hơn.
Khi đưa ra quan điểm "trứng mà đòi khôn hơn vịt" thì bên "vịt" tự mặc định mình là tác nhân để sinh ra "trứng". "Trứng" đó do mình tạo ra thì làm sao có thể hơn mình được. Đó là quan điểm đã quá lỗi thời khi mà cuộc sống năng động như hiện nay.
Nó nằm ở trong một điểm mù về nhận thức. Người sống lâu hơn không chắc có cái nhìn thấu đáo hơn người sống ít tuổi trên một số khía cạnh. Ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt bao đời nay là tư duy văn minh lúa nước. Với cuộc sống làm nông trồng lúa, ai có được nhiều kiến thức về nông nghiệp, thiên văn có thể dự đoán trước những thay đổi của thời tiết thì người đó được coi trọng.
Lẽ dĩ nhiên người nào sống càng lâu thì càng nhiều kinh nghiệm. Tư duy "lão làng" đã ngấm sâu vào tất cả các lĩnh vực xã hội tới khoa học nghệ thuật. Đến mức nhiều "lão làng" đã ngộ nhận những suy nghĩ, những hành động của mình là chuẩn mực cho thế hệ sau. Họ thấy rất khó chịu khi nghe những người trẻ đưa ra quan điểm, tư tưởng mới.
Với bản thân tôi, sự khó chịu trên chỉ cho thấy sự đuối lý không có cách nào có thể diễn giải vấn đề sáng sủa và thuyết phục của một số người lớn tuổi. Họ chụp mũ ngụy biện bằng câu "trứng mà đòi khôn hơn vịt".
Với việc giao lưu văn hóa, tôi thấy đã có rất nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người lớn hiện nay. Họ đã cởi mở hơn trong suy nghĩ, quan trọng hơn đã nhận thức được cái hạn chế của mình khi so sánh với người lớn ở những nước khác.
Tôi thấy có nhiều bạn trẻ thấy thất vọng, mất niềm tin khi những khao khát dự định của mình bị từ chối. Đó là chuyện rất bình thường, bạn không có gì phải buồn hay để cảm xúc làm lấn át lí trí của mình. Việc bạn muốn làm thì hãy cứ cố gắng đạt tới, và để nó làm niềm vui hạnh phúc khi bạn làm việc đó. Tôi khẳng định thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay rất thông minh sáng tạo và có những quan điểm sống phong phú và hay hơn thế hệ nhiều năm trước đó.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.