Bài viết 'Ác mộng' thất nghiệp khi 35 tuổi chưa lên làm sếp cho rằng nếu phấn đấu trong công việc và cố gắng thăng tiến lên vị trí quản lý ngay từ lúc trẻ, tuổi trung niên sẽ không phải sợ cảnh thất nghiệp. Độc giả Jackie Nguyen chia sẻ:
Trong mảng kinh doanh, sự đào thải nhân sự càng khốc liệt. Từ nhân viên bán hàng, tôi leo lên được vị trí giám đốc công ty liên doanh đứng đầu ngành hàng sau bốn năm, lúc 31 tuổi. Nhưng chỉ trụ được một năm là phải tự xin thôi việc để tránh bị sa thải do không đạt doanh thu do chính tôi xây dựng kế hoạch.
Chạy sang công ty khác làm cùng vị trí nhưng chỉ trụ được 6 tháng, tôi phải nghỉ luôn vì không thể làm công ty nào cùng ngành được nữa. Đành khởi nghiệp ở tuổi 32.
Độc giả Nguyen Quang cho rằng: Cố gắng làm sếp để tránh thất nghiệp cũng giống như đang buôn đất để làm giàu vậy. Không phải cứ làm sếp thì mới có chỗ đứng, và làm lính thì lúc nào cũng như gà mờ. Đó là tư duy cũ, rất cũ.
Trong một tổ chức, sếp chỉ đơn thuần là người quản lý, và giữ trách nhiệm đứng mũi chịu sào. Bù lại thì quyền lợi anh ta nhận được cũng là cao nhất. Trong tổ chức đó còn có nhiều thành phần khác không kém phần quan trọng, thậm chí không có là không được. Bạn thử nghĩ một tổ chức chỉ có lãnh đạo, suốt ngày ngồi chỉ tay năm ngón thì sẽ tồn tại bằng cách nào?
Độc giả Hoan Nguyen: Thật ra ở tuổi 35 thì hầu hết mọi người cũng đã bươn lên được một cái chức quản lí rồi. Vì cống hiến trong thời gian dài, không có công lao cũng có khổ lao, nên cũng sẽ được cất nhắc lên một vị trí lãnh đạo đội nhóm phòng ban. Điều này thể hiện rủi ro thất nghiệp không chừa bỏ bất cứ ai, bất cứ vị trí nào.
Ngay cả việc chuyên nghiệp hóa một nghề cũng không an toàn. Nhớ lại thời kỳ sụp đổ bong bóng bất động sản 2008, rất nhiều những kĩ sư thiết kế công trình có trình độ cao cũng bị cho về vườn. Mà như bây giờ, nhiều phi công hàng chục năm kinh nghiệm; quản lí khách sạn, kinh doanh bằng cấp quốc tế cũng bị sa thải. Họ đều rất giỏi, rất tham vọng, rất cầu tiến nhưng khi thảm họa chụp xuống, không ai thoát được.
Có người nói đầu tư cho bản thân cũng là một dạng đầu tư. Mặc dù hệ số an toàn của đầu tư này cao ngất ngưởng thì cũng không có nghĩa không có rủi ro. Vì vậy nó vẫn cần tuân theo nguyên tắc phân tán rủi ro. Một người không nên chỉ biết một nghề, cũng không nên chỉ có một nguồn thu nhập. Mỗi người cần tự học thêm ít nhất một nghề tay trái, và cũng có cho mình một nguồn thu nhập phụ phòng khi rủi ro ập đến.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.