Quan điểm "cuộc sống sẽ tốt hơn nếu công việc không còn chiếm phần lớn thời gian" đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt là với người trẻ. Thế hệ Z cho rằng, việc sắp xếp ngày làm việc theo giờ hợp đồng là "vô nghĩa, ngột ngạt và mất động lực". Họ sẵn sàng làm việc chăm chỉ, nhưng không muốn bị ràng buộc về mặt giờ giấc, địa điểm, không coi công việc là trung tâm cuộc sống như các thế hệ trước.
Câu hỏi đặt ra là làm nhiều hay làm ít mới tốt hơn? Mô hình làm việc theo kiểu truyền thống 9-5 (từ 9h sáng đến 5h chiều) có còn thực sự phát huy được hiệu quả? Nói về câu chuyện quy định giờ giấc làm việc, độc giả S Jr chia sẻ trải nghiệm của chính mình, nhấn mạnh thời gian làm việc nhiều hay ít không quyết định đến chất lượng công việc:
"Tôi từng biết rất nhiều người theo kiểu 'năng lực cao hơn nhiệm vụ'. Nghĩa là, khả năng làm việc của họ vượt xa khỏi khối lượng công việc, hoặc công việc được giao quá dễ dàng với họ. Khả năng của những người này là có thể làm 10 việc trong tám tiếng quy định. Tuy nhiên, công ty chỉ giao cho họ năm việc, nên họ đã làm xong trong bốn tiếng, thời gian còn lại họ chỉ ngồi không chờ đến giờ được về, nên lâu dần hình thành sự ức chế.
Thông thường chuyện này hay rơi vào các trường hợp khách quan như công ty không có định hướng cao hơn về sự nghiệp cho nhân viên, hoặc người quản lý không đánh giá đúng thực lực của nhân viên... Tất nhiên, ở trường hợp nào cũng đều dẫn đến một kết quả chung đó là nhân viên cảm thấy chán nản, không còn hứng thú với công việc.
>> Nên làm việc 100 giờ mỗi tuần để nghỉ hưu trước tuổi 60?
Ngày trước, tôi cũng đi làm cho một công ty nọ. Theo quan sát của tôi, nhóm nhân viên mới lúc nào cũng hăng hái làm việc, cố làm nhanh, gọn, hoàn thành sớm công việc trong tám tiếng quy định rồi dọn dẹp và ra về. Nhưng cũng có một nhóm nhân viên lâu năm khá ma mãnh. Cũng chừng đó đầu việc nhưng họ lây nhây mãi, làm theo kiểu cầm chừng để kéo dài thời gian tới tối để ở lại ăn lương tăng ca. Nhiều khi, nhóm đó 'nhàn cư vi bất thiện', còn tìm trò quậy phá nhóm nhân viên làm đàng hoàng kia nữa.
Nhìn chung, tôi cho rằng chỉ có quản lý yếu kém mới để xảy ra tình trạng như vậy. Nhưng 'cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra'. Sau một năm đầu phải chịu bực bội, ức chế, nhóm nhân viên làm việc chăm chỉ đều được tăng lương. Trong khi đó, đám nhân viên lười biếng, khôn lỏi kia cứ ngồi yên một chỗ mãi, chẳng có thăng tiến gì.
Qua đây, tôi mới thấy nhiều khi không đánh giá đúng thực lực hoặc không biết giao việc để nhân viên nhàn quá cũng gây ra lắm thứ ức chế. Điều quan trọng là người sử dụng lao động cần hiểu rõ khả năng của nhân viên, đánh giá công việc dựa trên hiệu quả thay vì thời gian làm việc, để tạo động lực và phát huy hết giá trị của sức lao động".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.