Narayana Murthy, tỷ phú Ấn Độ, người sáng lập Infosys - tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh, công nghệ thông tin và gia công, đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội khi nói rằng thanh niên nên làm việc 70 giờ một tuần để thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Tăng hay giảm giờ làm cũng là câu chuyện gây tranh cãi từ lâu ở Việt Nam. Mới đây, có Đại biểu còn đề nghị Quốc hội xem xét giảm giờ làm việc bình thường cho lao động khu vực tư từ 48 xuống 44 giờ, tiến tới còn 40 giờ mỗi tuần.
Ủng hộ quan điểm giảm giờ làm việc, độc giả Peter law chia sẻ câu chuyện của bản thân: "Tôi từng làm việc 100 giờ mỗi tuần trong 5 năm liên tiếp. Sau đó, tôi giảm thời gian làm việc xuống 70 giờ mỗi tuần trong 5 năm tiếp theo, và 50 giờ mỗi tuần tuần trong 10 năm sau nữa.
Hiện tại, tôi 58 tuổi, đã giao lại toàn bộ công việc cho con cái và nghỉ hưu. Tôi vẫn khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, hai vợ chồng có điều kiện đi du lịch vòng quanh thế giới suốt. Thử hỏi, nếu tôi không cố gắng làm việc nhiều hơn thời trẻ thì sao có thành quả như hiện tại khi đã về già? Không lẽ chúng ta cứ làm việc theo kiểu tà tà, tay làm thì hàm mới có cái để nhai cho hết kiếp hay sao?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Tai cũng cho rằng lao động chăm chỉ là cách nhanh nhất để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển: "Các bạn có thấy quốc gia nào có thu nhập trung bình thấp mà lại được xếp vào nhóm nước đáng sống hay hạnh phúc nhất thế giới không? Hay số này chỉ toàn là các nước có thu nhập cao?
Các bạn có thấy nước nào GDP đầu người cao hàng đầu thế giới mà tuổi thọ của người dân lại ngắn không? Ở mấy nước thu nhập thấp như Việt Nam, người dân cỡ 50 tuổi trở lên là rất lắm bệnh tật. Nhiều người làm việc 70 giờ mỗi tuần mà cũng chẳng đủ tiền để chữa bệnh như người dân các nước giàu có, huống hồ làm làm ít".
>> Những người làm việc 'điên cuồng' rồi lấy tiền chữa bệnh
Trong khi đó, tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lại đồng tình với quan điểm giảm bớt giờ làm việc để có thêm thời gian sáng tạo, giải trí. ILO giải thích rằng hậu quả của làm việc nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn và hiệu suất tại nơi làm việc. Ngược lại, người lao động rất dễ phải đối mặt với các nguy hiểm từ việc tăng tỷ lệ mắc bệnh, nhiễm trùng mãn tính hoặc bệnh tâm thần.
Nhấn mạnh những hệ lụy khi người lao động phải làm việc quá nhiều, độc giả Quyen Ton nhận định: "Quan trọng là hiệu quả công việc chứ không phải là số giờ làm việc. Tôi đã thấy những người sáng vác ô đi tối cắp ô về, ở cơ quan suốt 8 giờ vàng ngọc nhưng chẳng biết làm gì ngoài tán gẫu, lướt web, chơi game... Hãy suy ngẫm về câu nói 'tuổi trẻ đổi sức khỏe lấy tiền bạc, về già bỏ tiền bạc ra nhưng không mua được sức khỏe'.
Muốn đất nước phát triển, chúng ta phải áp dụng công nghệ tiên tiến, làm việc hiệu quả và quan trọng là giảm tham nhũng... Đừng như kiểu: "Hay làm mà chẳng hay lo, làm khốn làm khổ làm cho mệt mình". Tất nhiên đất nước rất cần những công dân cần mẫn, chăm chỉ nhưng chừng đó là chưa đủ để Việt Nam đi lên".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Hải Đường phản biện tư tưởng làm việc nhiều hơn: "Tôi đã gặp rất rất nhiều người ở phương Tây làm trên 70 giờ mỗi tuần. Hệ quả là vừa qua tuổi 50, họ đã gặp phải vấn đề lớn về sức khỏe và tinh thần. Cuộc sống đâu phải chỉ phô trương về sức mạnh kinh tế và tính cạnh tranh, mà còn được đo đếm bằng chỉ số hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống. Thử hỏi, có đất nước nào đáng sống nếu kinh tế thuộc hàng đầu mà số người bệnh tật cũng nhất, nhì thế giới?
Bạn làm được 100 tiếng hay 70 tiếng mỗi tuần, nhưng không có nghĩa là cả xã hội (hàng triệu người) cũng làm được. Ai chẳng biết 'tay làm hàm nhai', nhưng thà nhai rau mà tự đi đứng được, còn hơn ăn thịt bò nhưng phải có người khác cõng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.