"Có lẽ tôi đang quá khích và khó chịu. Lịch trình làm việc 9-5 (từ 9h sáng đến 5h chiều) thật điên rồ. Làm thế nào để có bạn bè? Làm thế nào để có thời gian hẹn hò? Tôi không có thời gian cho bất cứ điều gì, tôi rất căng thẳng", cô gái giàn giụa nước mắt nói trong video hiện đã hơn 50 triệu lượt xem.
Chỉ trong vài ngày, cô gái Anh này trở thành người dẫn đầu cho một quan điểm ngày càng phổ biến: Người trẻ không muốn công việc lấn át cuộc sống.
Theo World Values Survey, từ 1981 đến 2022, tỷ lệ người Anh cho rằng "cuộc sống sẽ tốt hơn nếu công việc không chiếm phần lớn thời gian" đã tăng từ 26% lên 43%. Giáo sư Bobby Duffy, giám đốc Viện Chính sách tại King's College London, cho biết chúng báo hiệu một "sự chuyển hướng ổn định nhằm cân bằng công việc và cuộc sống".
Tuy nhiên, Duffy cũng nhấn mạnh sự phân chia thế hệ rõ ràng: Hơn một nửa người Anh từ giữa độ tuổi 20 đến đầu 40 cho biết muốn ít chú trọng công việc hơn, trong khi các thế hệ lớn tuổi hơn lại ưu tiên sự nghiệp hơn.
Nhà nhân chủng học văn hóa, tiến sĩ Alex Gapud (Anh) cho rằng một số rạn nứt về hệ tư tưởng này bắt nguồn từ đại dịch, khi làm việc tại nhà cho phép mọi người nuôi dưỡng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống phong phú hơn.
Đối với Gen Z, họ mới bước chân vào thị trường lao động đã làm việc theo mô hình từ xa, nên quay lại văn phòng sẽ khó khăn. "Về cơ bản, đây là sự xung đột văn hóa giữa những quan điểm khác nhau về công việc", Gapud nói.
Ở Mexico, Seb, 27 tuổi, một nhà thiết kế ánh sáng đi làm văn phòng được nửa năm cho biết "rất phẫn nộ" về mô hình này. "Các ông chủ của tôi là những người đam mê làm việc 9-6 truyền thống", anh nói. Thêm 50 phút đi lại, một ngày anh làm 10 tiếng. Mặc dù đã hết việc anh vẫn phải ở văn phòng giả vờ như đang làm gì đó. Seb nói nếu không vì quy tắc 9-6, anh có thể hoàn thành công việc 40 giờ, trong 20-30 giờ.
Harriet, 30 tuổi, ở Anh cũng cho biết mô hình 9-5 nuôi dưỡng những thói quen làm việc kém hiệu quả. "Tôi có thể hoàn thành công việc trong vài giờ nhưng phải ở lại văn phòng mà không có lý do chính đáng. Thời gian còn lại toàn xem đồng hồ, pha trà và trò chuyện", cô chia sẻ.
Cô cho rằng việc sắp xếp ngày làm việc theo giờ hợp đồng là "vô nghĩa, ngột ngạt và mất động lực". Nhưng người chủ không muốn thay đổi mô hình truyền thống này. "Ngay cả khi Covid-19 buộc phải việc từ xa, cấp trên vẫn cứ nghĩ làm việc tại nhà khiến mọi thứ hỗn loạn, lơ là", cô chia sẻ.
Chuyên gia nhân sự và nghề nghiệp Finn Bartram (Anh) cho biết kỳ vọng của Gen Z rất khác các thế hệ trước. "Họ tin rằng cuộc sống quan trọng hơn cả công việc và mong đợi người chủ cũng biết điều đó. Họ sẵn sàng làm việc chăm chỉ, nhưng không coi công việc là trung tâm cuộc sống như các thế hệ trước", ông nói.
Ví dụ như Seb là một nghệ sĩ và thích vẽ tranh. "Không ai có thể vẽ được bức tranh đẹp sau 9 giờ nhìn vào màn hình và 50 phút đi trên đường", anh nói. Một người bạn gần đây đã nói với anh. "Nếu tôi có một tuần làm việc ít hơn và mức lương xứng đáng thì công ty sẽ có một nhân viên khỏe mạnh, nhiệt tình và sáng tạo. Nhưng giờ họ đang có một nhân viên nghèo nàn ý tưởng và kiệt sức".
Trước tình trạng này, không ít các công ty trên thế giới đang áp dụng chế độ tuần làm việc bốn ngày. Simon Ursell, Giám đốc điều hành một công ty tư vấn môi trường có trụ sở tại London, gần đây đã chuyển sang mô hình này. "Ở Anh có nền văn hóa coi công việc là biểu tượng danh dự. Tuy nhiên chúng tôi không muốn những nhân viên của mình bị kiệt sức", Ursell nói.
Công ty của Ursell dường như đã thành công. Kết quả cho thấy bốn ngày đã làm được khối lượng công việc nhiều hơn 109% so với 5 ngày, tỷ lệ vắng mặt giảm 66%. Và theo một ứng dụng nội bộ, nhân viên hạnh phúc hơn và bớt mệt mỏi hơn.
Bảo Nhiên (Theo Vice)