"Anh họ tôi là chủ thầu xây dựng, làm việc không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Sau nhiều năm lao động miệt mài và dành dụm, tiết kiệm, anh mua được bốn căn nhà to, giá trị rất cao, để dành về già hưởng thụ. Như cái giá cho sự lao động miệt mài gần 30 năm lại không rẻ khi anh phát hiện mình bị ung thư xương giai đoạn cuối và trở về với cát bụi ở tuổi 51.
Sau khi anh họ tôi qua đời, vợ của anh ta đã bán hai căn nhà và cùng gia đình bên ngoại chu du khắp thế giới. Họ liên tục chụp ảnh khoe đi Mỹ, châu Âu, Australia, Canada, Ai Cập, Nhật Bản, Hàn Quốc... Buồn hơn, từ lúc chồng mất, vợ của anh chưa từng ghé thăm mẹ chồng hay anh em bên nhà chồng.
Hy sinh cuộc sống cá nhân, hy sinh tuổi trẻ, hy sinh mọi vật chất, đam mê để 'cày cuốc' và lo cho vợ con, anh tôi hẳn là một người chồng, người cha quá tuyệt vời phải không? Nhưng làm cho nhiều, để rồi người khác hưởng hết, liệu bạn có muốn lao vào kiếm tiền giống anh họ tôi?
Tôi vốn không tuyệt vời như anh họ và quan điểm sống cũng khác: tôi làm ra 10 đồng thì sẽ tiêu 5-6 đồng để phục vụ lại cho sở thích và nhu cầu của cá nhân ngay và luôn. Phần còn lại tôi để dành để lo cho sau này. Biết chăm sóc bản thân, du lịch đây đó, khám sức khỏe tổng quát định kỳ... cơ thể bạn chắc chắn sẽ khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, phát hiện sớm bệnh tật, và tuổi thọ cũng sẽ tăng. Đó mới là một cuộc sống mà tôi muốn hướng đến".
Đó là chia sẻ của độc giả Đình sau bài viết "Hy sinh tuổi trẻ kiếm tiền còn hơn tuổi già ăn bám" của tác giả Nguyen Huong VT. Làm việc cật lực và tiết kiệm tối đa hay tranh thủ hưởng thụ ngay từ khi còn trẻ, từ lâu là nỗi trăn trở của không ít người. Những người thuộc thế hệ trước ủng hộ lối sống tiết kiệm, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để tích lũy của cải, vật chất trước khi về già. Tuy nhiên, điều này lại đi ngược với quan điểm của những người thuộc thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z - những người lựa chọn lối sống "YOLO" (bạn chỉ sống một lần), hưởng thụ sớm.
Hối hận vì quá mải mê kiếm tiền, phá sức khi còn trẻ, bạn đọc Nhật Nguyễn bày tỏ: "Tôi năm nay 35 tuổi, phấn đấu 12 năm từ lúc ra trường để có công ty riêng, ôtô, có nhà cho nhân viên ở miễn phí, và có thêm hai bất động sản, kèm một số tài sản ở ngân hàng. Tuy nhiên, tháng vừa rồi, tôi tình cờ phát hiện bị hai vết loét ở dạ dày. Lúc đó, tôi mới nhận ra, dù có phấn đấu cỡ nào, chẳng thiếu tiền chữa bệnh, nhưng tôi cũng chỉ mong có cuộc sống đơn giản, khỏe mạnh, bình thường. Tôi kể ra không phải để khoe mà chỉ muốn nói rằng, một cuộc sống giản đơn, không bệnh tật mới là thứ đáng giá nhất. Chạy theo đồng tiền, trở nên giàu có, rồi đến khi bệnh tật bủa vậy thì cuộc sống đâu còn nhiều ý nghĩa".
>> 'Tôi khuyến khích con tận hưởng trước tuổi 30'
Trong khi đó, với cái nhìn khác về lối sống hưởng thụ, độc giả Minh Phương phản biện: "Bạn tôi làm việc 'như điên' nên ngoài 30 tuổi đã đứng ở ngưỡng cửa ung thư. Từ khi phát hiện bệnh, bạn tuân thủ nghiêm hướng dẫn của bác sĩ. Nhờ có tích lũy từ trước nên bạn đủ khả năng chi tiền chạy chữa bằng liệu pháp tiên tiến nhất. Sau tám năm, bạn được bác sĩ kết luận 'không cần dùng thuốc nữa'. Từ đó, bạn sống chậm lại, làm việc vừa sức, vì vẫn còn nhiều tiền, tài sản tích lũy từ sớm.
Bạn giờ đã có thể sắp xếp ổn thỏa tài sản của mình, đảm bảo cho con cái có tương lai chắc chắn. Thế nên, bạn không phải lo nghĩ bất cứ thứ gì, chỉ cần tập trung tĩnh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bản thân. Nói gì thì nói, chưa chắc làm ít đã không bệnh. Chỉ khi bị bệnh mà ít tiền mới đáng lo".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa làm việc và hưởng thụ, bạn đọc Nhóc bình luận: "Bệnh tật không chừa một ai. Chưa chắc người làm ít đã không bị bệnh. Quan điểm cá nhân của riêng tôi là luôn cân bằng: không lười biếng, nhưng cũng không vắt kiệt sức, tài sản được bao nhiêu cũng tốt. Ai không bệnh thì tốt, còn có bệnh thì phải ráng chịu. Ai có tiền nhiều thì chạy chữa, tiền ít thì đành chịu. Nên nhớ, có tiền hay không thì rồi bạn cũng phải chết. Thế nên, sống an lạc ở hiện tại là điều cần nhất".
"Nói chung tuổi nào cũng nên siêng năng, chăm chỉ. Nhưng hãy nhớ sống và làm việc nên trong khả năng sức khỏe cho phép và tính toán sao cho khoa học. Đời người chỉ sống một lần, sống sao để đến khi về với cát bụi bạn không cảm thấy hối hận là được.
Quan điểm sống và làm việc của tôi là: làm hết sức, chơi hết mình. Khi làm việc, bạn cần chịu khó tính toán kỹ và thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra. Khi đã làm ra tiền, bạn cũng nên tận hưởng cuộc sống bản thân và gieo mầm yêu thương cho người xung quanh. Chứ tôi không làm để có một đống tiền rồi đổ bệnh nằm một chỗ, lại phải bán nhà đi để chữa bệnh - trong khi chả biết gì về thế giới xung quanh", độc giả Cải Vàng kết lại.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.