Xung quanh đề xuất của ông Nguyễn Thiện Nhân về việc 'điều chỉnh còn 40 giờ mỗi tuần thay vì 48 giờ hiện nay', các độc giả VnExpress đã có những quan điểm trái chiều.
Nhiều người cho rằng cần nghiên cứu tăng hiệu quả công việc trước khi nói đến việc giảm giờ làm:
Nhiều người đi làm thì muộn, làm việc thì ề à, lương đòi cao nhưng chuyên môn đáp ứng năng suất lao động để bù lại thời gian làm việc thì không đạt. Người ta chỉ nghỉ khi bù năng suất lao động cho thời gian làm việc được. Singapore năng suất lao động gấp 5 lần Việt Nam (cùng một thời gian như nhau, làm một việc như nhau, Việt Nam làm được 1, thì người ta làm được 5). Họ có số ngày nghỉ cao hơn Việt Nam, nhưng cứ thử sang đó để xem họ đã lao động chuyên nghiệp với chuyên môn nghiệp vụ như thế nào? Đó chỉ mới là so với Singapore chứ chưa so với các nước tiên tiến khác. Nghỉ nhiều thì tốt thôi nhưng phải có điều kiện cần và đủ kèm theo. Còn không thì ai thích nghỉ cho nghỉ, còn doanh nghiệp sẽ tìm người đáp ứng đủ khối lượng và tiến độ công việc mà xã hội đòi hỏi.
Hiệu suất công việc của Việt Nam cũng thấp hơn thế giới 80 năm nên nếu làm ít thì không thể đòi hưởng nhiều được. Các nước phát triển họ có công nghệ và phương pháp làm việc tăng hiệu suất vượt xa chúng ta dù giờ làm ít hơn. Nếu chỉ lo giảm giờ làm mà không tăng hiệu suất thì nước ta khó phát triển.
Vấn đề không phải là giờ làm mà là năng suất lao động. Như Singapore năng suất lao động của họ gấp chục lần ta. Nếu họ có giảm giờ làm thì là điều đương nhiên mà ta chưa học theo được. Chúng ta muốn theo thì cần phải cải thiện năng suất lao động. Chưa làm được điều đó thì đừng nghĩ tới việc giảm giờ làm.
Việt Nam giờ cần nghiên cứu tăng hiệu quả công việc trước khi nói đến việc giảm giờ làm. Khi năng suất làm một ngày 8h mà chỉ bằng làm trong 2h thì nên xem lại việc giảm giờ làm. Chúng ta cần làm sao cho mọi người tập trung tăng năng suất khi làm, hoàn thành khối lượng công việc trong 2-4h.
Có nên tăng năng suất lao động trước rồi mới giảm giờ làm không? Như vậy mới mong phát triển, chứ chưa tăng năng suất mà đòi giảm giờ làm thì chẳng khác gì giảm tốc độ phát triển. Xu thế thế giới là vậy nhưng hoàn cảnh nước ta còn nghèo mà cứ mong làm việc nhàn rỗi như những nước phát triển thì sao khấm khả nổi?
Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng việc giảm giờ làm sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao kỹ thuật, phương thức sản xuất, qua đó giúp hiệu suất công việc được tăng lên:
Tìm thật nhiều mà số ngày nghỉ đã bằng một góc các nước khác đâu? Năng suất lao động không tỷ lệ thuận với thời gian lao động. Giảm giờ làm nhưng năng suất tăng mới là điều cần hướng đến. Nếu không giảm giờ làm thì chủ doanh nghiệp sẽ không chịu cải tiến công nghệ mà ỷ lại vào sức lao động của công nhân, như thế thì các nhà máy của Việt Nam mãi mãi chạy bằng "cơm".
Do luật lao động không giảm giờ làm, dẫn đến doanh nghiệp sẽ không thay đổi công nghệ. Vì vậy, họ còn lâu mới ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nếu luật ban hành giảm giờ làm thì dẫn đến doanh nghiệp phải bắt buộc áp dụng mới nâng cao được năng suất. Và khi có nhiều thời gian thì bố mẹ mới có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, không gây hệ lụy cho xã hội sau này.
Nếu giảm giờ lao động thì áp lực sẽ dồn về phía doanh nghiệp. Vì thế họ sẽ tự thay đổi để phù hợp với xu thế hiện tại. Điều này không những giúp chất lượng lao động tăng lên mà còn giúp hiện đại hóa ngành công nghiệp hiện tại
Sao doanh nghiệp không đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân để tăng năng suất? Quản lý sắp xếp công việc cho hiệu quả để công việc không chồng chéo... còn đi làm nhiều mà sức khỏe đảm bảo thì sao làm việc hiệu quả được?
Quan trọng là mặt tổ chức của một doanh nghiệp từ hạ tầng đến thượng tầng. Sếp cần có sổ sách năng suất đầu vô, đầu ra, từ đó nắm rõ khả năng làm việc của nhân viên, giúp họ tăng năng suất và tập trung làm việc trong 8h. Vì khoa học cũng chứng minh làm việc dưới 8h năng suất đạt cao nhất, sau 8h sẽ không còn tập trung vào công việc đưa dến hậu quả như tai nạn lao động, sơ suất trên mặt hàng. Khi bạn làm 8h sẽ còn nhiều thời gian nghỉ ngơi, giải trí, trau dồi thêm kỹ năng, học thêm và kinh tế của đất nước thêm phong phú như sân chơi thể thao, du ngoạn, chợ búa, dich vụ ngoài giờ làm việc. Chúng ta được học hỏi qua những sáng kiến của thế giới mà không mất thời gian nghiên cứu đó cũng là cơ hội phát triển đất nước mau lẹ như các nước Nhật Bản, Hàn quốc, Trung Quốc, Singapore.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.