Tôi từng bắt gặp không ít trường hợp chủ nhà sửng cồ, mắng chửi, đuổi quầy quậy, phá hoại tài sản, thậm chí hành hung tài xế đỗ xe chắn cửa nhà mình (dù đường không cấm dừng đỗ), hoặc đôi khi chỉ là để xe hơi lấn sang phần nhà họ để mua hàng của nhà kế bên. Nhưng cũng có không ít chủ nhà chọn cách hành xử văn minh hơn nhiều, tạo điều kiện cho người khác, cùng lắm là nhắc nhắc nhở lịch sự. Thế nên, ứng xử thế nào là do quyết định của mỗi người. Trước khi bạn đặt một tấm biển cấm, hãy thử nhìn xung quanh xem người ta có làm vậy không, tại sao mình không làm được như thế, và làm gì mới là tốt nhất cho tất cả?
Nói đến biển cấm đỗ xe, chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta sẽ nghĩ đến những tấm biển được quy định trong Luật giao thông đường bộ. Căn cứ khoản 30.1 Điều 30 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT, biển báo cấm được đặt ở nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm. Biển có hiệu lực bắt đầu từ vị trí đặt biển trở đi. Nếu vì lý do nào đó, biển phải đặt cách xa vị trí định cấm thì phải đặt biển phụ số S.502 để chỉ rõ khoảng cách từ sau biển cấm đến vị trí biển bắt đầu có hiệu lực.
Tuy nhiên, trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội hay TP HCM, người ta lại bắt gặp nhiều tấm biển khác với quy chuẩn trên nhưng có cùng nội dung "cấm đỗ xe". Tôi muốn nói đến những tấm biển tự phát cho người dân đặt trước cửa nhà mình để ngăn người khác đỗ xe chắn cửa. Hành động này chủ yếu diễn ra tại các khu vực không nằm trong vùng cấm dừng đỗ theo quy định của pháp luật. Nó đơn giản chỉ là cách mà các chủ nhà sử dụng để tự giải quyết nỗi bức xúc của cá nhân, một cách 'dằn mặt' những ai đang có ý định đậu xe tại đây.
Xét về mặt pháp lý, những tấm biển này chẳng hề có giá trị gì. Tuy nhiên, mỗi khi đi qua và nhìn thấy những tấm biển như vậy, bản thân tôi lại thấy có chút lấn cấn. Chúng ta thường hiểu rằng chuyện cấm đoán phải được đưa ra từ người có quyền lực hơn tới những người không có quyền lực bằng - như cha mẹ cấm con cái làm một số việc, hoặc chính quyền cấm công dân của mình làm những điều phi pháp... Còn ở đây, mối quan hệ giữa người ra lệnh cấm với đối tượng tiếp nhận chỉ là công dân ngang hàng trước pháp luật. Nên chính tấm biển cấm này đã không đúng với lẽ thường.
>> Luật rừng 'cấm đậu ôtô trước cửa nhà'
Chuyện người dân có nhà mặt phố tự cho mình cái quyền ra lệnh cấm, thực thi pháp luật rõ ràng là rất khó chấp nhận ở một xã hội văn minh. Nhiều người mặc nhiên coi cái vỉa hè, lề đường trước mặt tiền nhà mình là tài sản thuộc sở hữu cá nhân và không muốn người khác xâm phạm mà chưa hỏi ý kiến. Và tấm biển cấm trong trường hợp này giống như một lời khẳng định chủ quyền vậy.
Về lý tính, con người được làm những gì mà pháp luật không cấm chứ không có nghĩa vụ phải tuân theo lệnh cấm tự phát của bất cứ cá nhân nào. Thế nên, dù rất thông cảm cho nỗi bức xúc của các chủ nhà bị ai đó đỗ xe trước cửa, nhưng tôi cũng không thể đồng tình với hành động tự ý đặt biển cấm đỗ xe của họ.
>> Kẻ vạch 'xí chỗ' đậu xe trước cửa nhà
Một xã hội mà ai cũng đặt cái tôi của mình lên trên hết, lúc nào cũng chỉ bo bo giành phần cho riêng bản thân thì không thể có chỗ cho tình người, lòng nhân ái và bao dung. Sống trong xã hội ấy, con người hẳn sẽ rất ngột ngạt và căng thẳng, đi kèm với cả những bất an. Cá nhân tôi không muốn phải tồn tại ở một nơi như thế, nhất là khi mỗi ngày đã phải trải qua hàng chục áp lực lớn, nhỏ trong công việc, cuộc sống.
Cũng may là ở ta, không phải ai cũng có cách hành xử tự phát đặt biển cấm như vậy. Có thể đó là những chủ nhà đã chịu quá nhiều bức xúc nên mới đi đến quyết định như vậy. Nhưng thứ cần làm là tìm cách giải quyết chúng chứ không phải đẩy ức chế sang người khác. Cuộc sống này cần lắm những lối sống đẹp, con người cư xử văn minh với nhau, cùng tôn trọng pháp luật.
Giá mà trong các vụ việc đỗ xe trước cửa ấy, cả chủ nhà và tài xế có thể trao nhau những nụ cười thân thiện thay vì ném vào nhau những cái nhìn thô bạo, khi ấy tấm biển cấm kia có lẽ đã chẳng xuất hiện.
Lê Huỳnh
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.