Câu chuyện dừng đỗ xe trước cửa nhà mặt tiền lâu nay vẫn là tâm điểm của những tranh cãi không có hồi kết. Có một tình trạng tôi thấy xuất hiện khá nhiều đó là các chủ nhà xây cửa lớn suốt chiều rộng mặt tiền của mình và cho rằng bất cứ xe nào dừng đỗ trước nhà họ đều là chắn cửa ra vào, xâm phạm đến lợi ích của họ. Thực ra, đây là lý lẽ không thuyết phục, nhưng lại luôn được lấy ra để gây khó dễ cho việc dừng đỗ xe trên đường phố ở nước ta.
Cũng từ đó, người ta nghĩ ra đủ cách để khẳng định chủ quyền, chiếm dụng phần không gian phía trước nhà mình, nhẹ thì treo biển "cấm dừng đỗ", gay gắt hơn thì mang gạch đá, xô chậu, bàn ghế ra dựng trước nhà. Thậm chí, có người còn hồn nhiên dùng sơn, kẻ vẽ trên mặt đường để ngăn cản người khác dừng, đỗ xe trước nhà mình. Đương nhiên, tất cả các hành vi đó đều là vi phạm pháp luật. Vậy phải chăng chủ nhà mặt tiền chưa được bảo vệ quyền lợi?
Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định rất cụ thể về việc dừng, đỗ xe trên đường bộ. Cụ thể Khoản 4 Điều 18 nêu rõ, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trong các trường hợp: bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng của xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trong phạm vi an toàn của đường sắt; che khuất biển báo hiệu đường bộ.
Điều 19 của luật này còn quy định, khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách ôtô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét. Bên cạnh đó, lái xe không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Đọc đến đây, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Vậy còn với hành vi đậu xe trước cửa nhà, chặn lối đi hoặc ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của người khác phải thì sao? Phải chăng hành vi trên đang bị bỏ sót, chưa có chế tài xử lý thích đáng?
>> Bài học cho tài xế đỗ ôtô chắn cửa
Thực ra, không phải như vậy. Tôi cho rằng, quy định hiện hành của luật pháp là rất phù hợp và đầy đủ. Người dân hoàn toàn có quyền dừng, đỗ xe ở những nơi không có biển cấm, và không vi phạm quy định về nguyên tắc đỗ xe theo Luật giao thông đường bộ. Thực tế, không chỉ ở nước ta, nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới cũng cho phép tài xế đỗ xe trước cửa nhà người khác. Xin nhấn mạnh ở đây là đỗ xe trước nhà, chứ không phải chắn lối ra vào nhà người khác. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng nhiều người Việt vẫn đang hiểu sai và đánh đồng làm một.
Chủ nhà mặt tiền đóng thuế đất để được mua quyền sử dụng đất và nhà nước giao đất cho họ được sử dụng trong ranh giới quy định trên giấy tờ, sổ đỏ. Điều đó đồng nghĩa với việc không ai cho phép họ tự coi không gian phía trước nhà (vỉa hè, lề đường) là của riêng họ. Thế nên, không thể lấy lý do "cản trở kinh doanh" theo cảm tính ra để ngăn cấm người khác dừng, đỗ xe trước cửa nhà mình.
Việc đỗ xe chỉ có thể bị xem là xâm phạm đến quyền lợi của chủ nhà mặt tiền, khi nó thật sự cản trở khả năng ra vào, khiến hoạt động sống thường ngày của chủ nhà bị kiềm tỏa. Còn nếu, nó chỉ gây ảnh hưởng một phần (không bịt kín lối ra vào), thì phải xử lý dựa trên tinh thần dung hòa lợi ích đôi bên. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung, sẽ chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là thông báo sự việc lên cơ quan công an địa phương, cảnh sát giao thông khu vực để được giải quyết. Nhưng tôi tin, sẽ chẳng ai có thể đuổi tài xế đi nếu họ hoàn toàn không vi phạm luật khi dừng, đỗ.
Tóm lại, người dân chỉ có quyền đối với phần đất theo ranh giới nhà mình. Còn hành lang đường bộ, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý, không ai được phép chiếm dụng làm của riêng, và tài xế hoàn toàn có quyền dừng đỗ theo đúng quy định.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.