"Thực tế, không ít chủ nhà cũng rất buồn cười. Như khu tôi ở, dân trí thuộc dạng khá cao so với mặt bằng chung, nhưng họ vẫn thản nhiên chiếm hết vỉa hè, coi như đất nhà mình. Nhà nào cũng đặt vài chậu cây chắn hai đầu đoạn vỉa hè trước cửa cứ đánh dấu ranh giới, nếu ai muốn đi bộ qua, chắc chắn sẽ phải đi dưới đường. Có nhà thậm chí còn đặt luôn biển chình ình dưới lòng đường: "Nhà có xe ôtô, đề nghị không đỗ xe ở đây", để chiếm dụng làm chỗ để xe riêng.
Có lần tôi đỗ xe bên lề đường ở chỗ trống, không ảnh hưởng đến ai, thế nhưng vừa bước xuống xe thì một vị chủ nhà lao ra cấm cản: "Nhà tôi cũng có xe, không được đỗ xe ở đây". Tôi nghe xong mà thấy nản luôn. Nói như vậy để thấy rằng, chủ nhà bức xúc với lái xe thì tài xế cũng bức xúc không kém với chủ nhà.
Nếu đã giải quyết theo lý thì tất cả đều phải tuân theo quy định pháp luật, còn nếu muốn nói chuyện tình cảm thì cả hai bên đều phải có tinh thần xây dựng, nhường nhịn. Không nên có chuyện chủ nhà đòi chiếm dụng vỉa hè, mặt đường trước cửa nhưng lại nóng mắt khi có xe của ai đó đỗ đúng luật trước cửa nhà mình".
Đó là quan điểm của độc giả Thinh.ledinh1984 xung quanh câu chuyện "'Vấn nạn' ôtô đậu chắn cửa nhà" gây tranh cãi thời gian qua. Luật giao thông đường bộ đã có những điều khoản quy định cụ thể về việc dừng, đỗ xe. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, chủ ôtô đỗ xe trước nhà dân sẽ không sai phạm nhưng vẫn vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía chủ nhà. Nhiều vụ xô xát, ẩu đả, phá hoại tài sản vì ôtô đậu chắn cửa nhà đã diễn ra thời gian qua, khiến cuộc tranh luận kéo dài không có hồi kết.
Đứng trên phương diện một người lái xe, bạn đọc Dao duy yen chỉ ra thế khó của tài xế khi đỗ xe trước cửa nhà dân đúng luật: "Chỉ một số ít tài xế vô ý thức mới đỗ xe bít cửa nhà người khác, còn phần lớn tài xế trước khi đậu xe đều quan sát để hạn chế làm ảnh hưởng đến người khác, đặc biết là các hộ kinh doanh có mặt tiền vỉa hè hẹp.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cũng có không ít chủ nhà, dù mặt tiền có vỉa hè rộng hơn ba mét, việc đỗ xe không ảnh hưởng đến việc ra vào của gia đình, nhưng họ lại cho mình cái quyền giành phần đường trước nhà là của riêng. Trong khi đó, đường đó chẳng hề có biển cấm dừng đỗ. Nhiều người còn ăn nói rất khó nghe, không chấp nhận được.
Bản thân tôi cũng từng đậu xe phía đối diện ngân hàng (ngân hàng bên kia đường). Ấy vậy mà một bảo vệ lao ra, một mực nói "đây là chỗ đậu xe của ngân hàng", không cho phép tôi đậu và đuổi đi chỗ khác, thậm chí còn dọa báo công an. Tôi khẳng định không có luật nào quy định chỗ đậu xe của ngân hàng như vậy, và kiên quyết không đi, người này liền gọi công an phường tới giải quyết. Và đương nhiên, tôi được xử thắng vì đâu có phạm luật".
>> Hai lần bị trả thù vì đỗ ôtô trước cửa nhà
Việc đặt các vật dụng trên lòng, lề đường để ngăn các xe khác đậu trước cổng, tường nhà vi phạm quy định tại Điểm i, Khoản 2, Điều 35, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về việc không được thực hiện các hành vi khác gây cản trở giao thông. Ngoài ra, Điều 36, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng nhấn mạnh: "Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông". Do đó, việc chủ nhà để các vật dụng dưới lòng, lề đường nhằm mục đích ngăn xe ô tô dừng, đậu xung quanh nhà là không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp, có những tai nạn xảy ra do va chạm với các vật dụng này thì chủ nhà hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Lấy ví dụ về quy định đậu xe trước cửa nhà mặt tiền tại nước ngoài, độc giả Dqmtrieu khẳng định đây là chuyện không sai: "Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy chỗ nào không sai luật thì ôtô đều được phép đậu và không chủ nhà nào được phép bảo chủ xe phải rời đi. Ở các nước tôi đã tới, nhà mặt đường có nhiều xe qua lại luôn có giá trị thấp hơn nhà trong các khu dân cư. Lý do là nhà mặt đường thì xe khó ra vào nhà. Ở Việt Nam thì ngược lại, nhà mặt đường luôn đắt tiền hơn nhà trong khu dân cư.
Nếu ở Việt Nam ta cũng tuân theo luật và thông lệ chung thì ôtô được phép đậu ở những đường không cấm. Xe của các nhà mặt tiền đường khó ra vào, dần dần sẽ khiến giá nhà mặt đường giảm xuống, phù hợp chung với xu thế của thế giới. Các con phố nhộn nhịp mua sắm thì phải chấp nhận tình trạng xe đậu kín lòng đường, trước cửa nhà mình (nếu nơi đó không cấm đậu xe).
Các bạn có nhà mặt đường mà không cho người ta đậu trước nhà mình, vậy thử hỏi rằng: nếu chiếc xe đậu dưới lòng đường trước nhà kia là của bạn thay vì của người khác thì có chấp nhận được không? Nếu xe nhà bạn đậu được thì không có lý do gì bạn cấm người khác đậu".
Đồng quan điểm, bạn đọc Vu Ng nhấn mạnh cần phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên quyền lợi cá nhân: "Vấn đề này nhiều người đã nói đi nói lại, nhưng hầu như ai cũng chỉ đặt quyền lợi cá nhân mình lên trên quyền lợi của cộng đồng. Chúng ta cần phải nhớ rằng, bất cứ hành động nào cũng phải đặt pháp luật lên trên hết.
Pháp luật đã quy định đường được đỗ xe thì mọi người phải tuân theo vì như vậy là ưu tiên để phục vụ lợi ích của cả cộng đồng, rồi sau đó mới đến quyền lợi cá nhân. Bạn có nhà mặt tiền thì bản thân đã được hưởng nhiều quyền lợi từ nó rồi, đừng tham lam để biến những tiện ích công cộng, phục vụ cho xã hội, thành cái sở hữu của riêng mình".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.