Khoảng 1/4 người trưởng thành ở Mỹ, tức hơn 66 triệu người, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) công bố ngày 8/4. Hơn 1/3 dân số Mỹ, tức hơn 112 triệu người, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó hơn 43% người trưởng thành và gần 77% người trên 65 tuổi.
Dữ liệu của CDC cũng cho biết gần 175 triệu liều vaccine đã được tiêm, chiếm khoảng 76% trong tổng số hơn 229 triệu liều đã được phân phối ở Mỹ. Trung bình 7 ngày qua, chiến dịch tiêm chủng của Mỹ đều đạt mức hơn ba triệu liều mỗi ngày.
Anh cũng đã đạt cột mốc mới trong nỗ lực triển khai vaccine, với hơn 6 triệu người đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. Dữ liệu vaccine của Anh cũng cho biết hơn 31,8 triệu người của quốc gia 66,65 triệu dân đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Các nhà khoa học tại trường University College London (UCL) cho biết dựa trên phân tích mô hình dịch bệnh mới, Anh có thể vượt qua ngưỡng quan trọng khi tỷ lệ người "an toàn" trước virus nhờ tiêm chủng, từng bị nhiễm hoặc miễn dịch tự nhiên đạt 73,4% vào ngày 12/4. Đây là "cột mốc" mà giới khoa học cho rằng Anh đạt khả năng miễn dịch cộng đồng để đẩy lùi virus. Song họ cảnh báo bất kỳ động thái nào nhằm đẩy nhanh tốc độ nới lỏng các biện pháp hạn chế đều có thể ảnh hưởng tới khả năng đạt miễn dịch cộng đồng.
Trong khi đó, Covax, dự án phân phối vaccine công bằng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn, đặt mục tiêu có đủ số vaccine để cung cấp cho 20% dân số của những quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia chương trình cho tới cuối năm 2021. Nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo, mục tiêu khiêm tốn này nhiều khả năng khó có thể hoàn thành đúng hạn.
Khoảng cách về vaccine giữa "có" và "không có" ngày càng nới rộng, gây ra sự thất vọng và có thể khiến đại dịch kéo dài.
"Thật bất công", Zain Rizvi, chuyên gia về tiếp cận dược phẩm tại tổ chức giám sát Public Citizen, nói. "Nhiều quốc gia chắc phải gặp may thì tới hết năm nay mới có thể gần đạt được thành tích như Mỹ hiện tại".
Cho đến nay, cuộc đua tiêm chủng đã bị thống trị bởi một số quốc gia tương đối giàu có. Đáng chú ý nhất là Israel với 57% dân số đã hoàn thành tiêm chủng vào ngày 7/4, Chile 22% và Mỹ hay Anh.
Our World in Data ước tính, dựa trên dữ liệu được báo cáo, ít nhất 5% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một mũi tiêm, với con số thực tế có thể dao động khoảng 6-7%.
Các thỏa thuận ưu tiên cung cấp, hạn chế xuất khẩu và các phương thức tích trữ vaccine khác của nhiều nước giàu đã góp phần khiến nguồn cung giảm mạnh trên toàn cầu và buộc các quốc gia phải tranh giành đặt hàng.
Dự án Covax đã chuyển gần 38,4 triệu liều vaccine Covid-19 tới 102 quốc gia và vùng lãnh thổ sau 6 tuần khởi động. Chương trình đã cung cấp "phao cứu sinh" cho các nước có thu nhập thấp, cho phép họ có thể bắt đầu triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế và nhóm có nguy cơ cao, ngay cả khi chính phủ của họ không thể xoay xở để đặt hàng vaccine từ các nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi được chia cho hơn 100 nơi, số lượng vaccine này chỉ là một lớp bảo vệ mỏng manh.
"Thật vui khi thấy một lượng nhỏ vaccine đã được chuyến tới các nước trên toàn thế giới. Nhưng bức tranh lớn gây ra nhiều lo lắng hơn là yên tâm bởi chúng ta có quá nhiều thứ đang diễn ra không suôn sẻ", Suerie Moon, đồng giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển ở Geneva, cho hay.
Trong khi Mỹ đang tiêm chủng hàng triệu liều vaccine mỗi ngày, một số quốc gia vẫn đang chờ đợi những mũi tiêm đầu tiên hoặc chỉ vừa khởi động chương trình tiêm chủng. Một ước tính gần đây của WHO chỉ ra châu Phi chỉ chiếm 2% trong tổng số 690 triệu liều vaccine được tiêm chủng trên toàn cầu.
Giám đốc WHO ở châu Phi Matshidiso Moeti nói tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở lục địa này là do "thiếu hụt nguồn cung, thiếu tài chính và nhân viên có chuyên môn", cùng nhiều vấn đề hậu cần khác.
Tính tới cuối tháng 3, ít nhất 30 quốc gia trên thế giới chưa tiêm chủng cho bất kỳ người dân nào và nhiều nước đang phát triển từ Bangladesh tới Tanzania, Peru có thể phải đợi tới năm 2024 mới có thể tiêm chủng cho toàn bộ người dân, theo NY Times.
Nhiều quan chức và chuyên gia tranh luận rằng việc thu hẹp khoảng cách về vaccine không chỉ là nghĩa vụ mà còn phải là mối quan tâm đối với các nước giàu. Họ lập luận nếu chỉ có một phần nhỏ dân số thế giới được tiêm chủng, nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi, trong khi virus sẽ liên tục biến chủng và lây lan.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 5/4 kêu gọi tăng tốc phân phối vaccine cho những nước nghèo, khi cảnh báo đại dịch có thể đẩy 150 triệu người vào cảnh nghèo đói và đe dọa tốc độ tăng trưởng. "Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta rõ ràng là ngăn chặn virus bằng cách đảm bảo tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị được phổ biến rộng rãi nhất có thể", bà nói,
Cùng ngày, khi công bố bổ nhiệm điều phối viên mới về Covid-19 và an ninh sức khỏe, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đề cập tới mối đe dọa của biến chủng.
"Ngay cả khi chúng tôi tiêm chủng cho tất cả 332 triệu người Mỹ vào ngày mai, chúng tôi vẫn không thể an toàn hoàn toàn trước virus, khi nó vẫn đang lây lan khắp thế giới, biến thành các chủng mới có thể dễ dàng xâm nhập vào đất nước này và lây lan trong các cộng đồng của chúng tôi lần nữa", ông nói.
Điều phối viên ứng phó Covid-19 toàn cầu mà Blinken giới thiệu là Gayle Smith, người từng là giám đốc điều hành của ONE Campaign, tổ chức phi chính phủ từng kêu gọi các nước giàu chia sẻ 5% lượng vaccine dư thừa sau khi tiêm chủng cho 20% dân số của họ.
Một khảo sát 788 người Mỹ của nhóm nghiên cứu Đại học Khối Thịnh vượng chung Virginia cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ với ý tưởng tặng 10% số vaccine của Mỹ cho các nước nghèo hơn, nhưng có sự bất đồng về thời điểm. Trong khi 41% nói rằng việc chuyển giao vaccine nên được tiến hành ngay lập tức, 28% muốn đợi tới khi những người Mỹ có nguy cơ cao được tiêm chủng và 31% muốn đợi tới khi Mỹ tiêm chủng cho tất cả người dân muốn tiêm.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu hồi tháng 2 đề xuất tặng vaccine cho 20 đồng minh nước ngoài, nhưng kế hoạch đã bị trì hoãn do vấp phản đối và các vụ kiện tụng trong nước.
Các động thái của chính quyền Biden cho đến nay đều tập trung vào những nỗ lực dài hạn để thúc đẩy triển khai vaccine toàn cầu. Hồi tháng 2, Nhà Trắng tuyên bố hỗ trợ tới bốn tỷ USD cho Covax, bao gồm hai tỷ mà quốc hội Mỹ đã phân bổ vào tháng 12 năm ngoái.
Tháng trước, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia cũng cam kết hợp tác sản xuất và phân phối tới một tỷ liều vaccine, với trọng tâm đặt ở Đông Nam Á, trước khi kết thúc năm 2022.
"Thời gian không ngừng trôi và tình hình vẫn chưa thể khá hơn", Moon nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, NYTimes, AFP)