Ngày Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, tên của Amit Mehra đã nằm trong danh sách ưu tiên. Nhưng anh chưa từng đặt lịch tiêm.
"Tôi không muốn tiêm chủng chỉ vì nó có sẵn", Amit Mehra, 47 tuổi, nhân viên bệnh viện ở Delhi, nói.
Cách đó hơn 4.000 km, Magomed Zurabov cũng có cảm giác lưỡng lự tương tự khi đi qua một điểm tiêm chủng lưu động gần Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva. Nghi ngờ đại dịch được tạo ra có chủ ý, anh cho biết không có ý định tiêm vaccine. Thay vào đó, Zurabov chỉ "thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết", như đeo khẩu trang và sử dụng nước sát khuẩn.
Khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ngày càng tăng ở Israel, Anh, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất và nhiều quốc gia khác, chiến dịch tiêm chủng ở một số nước sản xuất vaccine như Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ lại khởi đầu chậm chạp và có rất ít lời kêu gọi công chúng tham gia để đẩy nhanh tốc độ.
"Người dân không tỏ ra háo hức hay khẩn trương tiêm chủng", Ajeet Jain, bác sĩ tại bệnh viện Rajiv Gandhi ở Ấn Độ, nói. "Ấn Độ đang trải qua giai đoạn không còn lây lan mạnh, ngoại trừ một số bang. Mọi người đã nới lỏng cảnh giác khi cho rằng dịch đã qua đi".
Những gì Ấn Độ, Nga và Trung Quốc trải qua có thể trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới. Ngay cả khi tình trạng thiếu vaccine được cải thiện, phần lớn thế giới có thể vẫn phải mất nhiều năm để chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được triển khai trên diện rộng. Lý do có thể là thách thức từ việc tiếp cận các cộng đồng xa xôi, rộng lớn, thiếu quan tâm từ công chúng và ưu tiên y tế khác cấp bách hơn.
Tuy nhiên, một số quốc gia cũng đang tìm cách khắc phục tình trạng này. Chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ đã được đẩy mạnh trong hai tuần qua, khi nhiều cơ sở y tế tư nhân đã tham gia nỗ lực của chính phủ và giới chức đã mở rộng phạm vi tiêm chủng với nhóm trên 60 tuổi. Nỗ lực giúp Ấn Độ triển khai được ba triệu liều vaccine mỗi ngày trong tuần này và nếu được duy trì, chương trình đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho 20% dân số vào tháng 8.
Chiến dịch tiêm chủng đã diễn ra với tốc độ chậm hơn mong đợi đối với 30 triệu nhân viên y tế và tuyến đầu, nhóm được ưu tiên tiêm đầu tiên, khi một số tỏ ra chần chừ với Covaxin, loại vaccine phát triển trong nước được cấp phép sử dụng trước khi công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn ba. Dữ liệu tạm thời cho thấy hiệu quả của vaccine này là 81%.
"Điều đó gây ra một chút hỗn loạn, khi những nhân viên y tế được dự kiến tiêm chủng đầu tiên và những người hiểu biết về quá trình này hơn những người khác đã từ chối làm điều mà họ nên làm", Shahid Jameel, nhà virus học và giám đốc Trường Khoa học Sinh học Trivedi thuộc Đại học Ashoka, cho hay.
Ông Jameel thêm rằng Ấn Độ cũng không huy động toàn bộ lực lượng tiêm chủng để chống Covid-19, khi giữ lại nửa số nhân viên để phụ trách tiêm chủng cho các căn bệnh nguy hiểm khác. "Chương trình tiêm chủng cho trẻ em, cho phụ nữ có thai phải được tiếp tục bất chấp Covid-19", ông nói.
Trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực tiêm chủng của Ấn Độ có thể là số ca nhiễm đã giảm mạnh kể từ tháng 9 năm ngoái. Tại một quốc gia có độ tuổi trung bình khoảng 28, Covid-19 không phải nguyên nhân tử vong hàng đầu, khi số người chết vì Covid-19 là khoảng 160.000, bằng một phần ba số ca tử vong vì bệnh lao mỗi năm.
"Nhìn tỷ lệ tử vong ở Nam Á và bạn sẽ biết lý do mọi người từ chối tiêm vaccine. Lo ngại về rủi ro của họ thấp hơn hẳn một người ở London", Oommen C Kurian, thành viên cấp cao tại trung tâm nghiên cứu Delhi’s Observer Research Foundation, nói.
Đây cũng là thực trạng chung với người dân Bắc Kinh. Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh tay nhưng hiệu quả để kiểm soát Covid-19, giúp cuộc sống ở quốc gia này phần lớn trở lại bình thường. Dù chính phủ đã cấp phép sử dụng loại vaccine đầu tiên vào tháng 7, chỉ 4% người dân nước này đã tiêm chủng.
"Một trong những yếu tố quan trọng nhất là suy nghĩ cho rằng Trung Quốc có nguy cơ lây nhiễm thấp. Vì vậy mọi người nghĩ tại sao phải tiêm chủng. Chúng tôi đã an toàn", Yanzhong Huang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế Toàn cầu tại Đại học Seton Hall, bang New Jersey, Mỹ, nói.
Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng 40% dân số vào tháng 7. Để đạt được, quốc gia này phải nỗ lực để có thể tiêm bốn triệu mũi mỗi ngày, trong khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy con số hiện tại khoảng 640.000.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải tìm cách cân bằng nhu cầu trong nước với cam kết cung cấp ít nhất 463 triệu liều cho nước ngoài, trong đó có nhiều viện trợ cho đối tác chiến lược. Trung Quốc cho đến nay chịu rất ít áp lực phải tích trữ vaccine cho nhu cầu trong nước.
"Mọi người xem đây là minh chứng cho thấy Trung Quốc trở thành lãnh đạo toàn cầu, hay là một cường quốc có trách nhiệm và đáng tin cậy", Huang nói.
Nga đã chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi Covid-19, khi thống kê chỉ ra khoảng 90.000 người Nga tử vong vì đại dịch dù số liệu này được cho thấp hơn thực tế. Nga đặt mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số vào giữa năm nay, nhưng nỗ lực tiêm chủng hiện tại còn cách đích rất xa.
Khảo sát của Trung tâm Levada công bố đầu tháng này cho thấy 2/3 người Nga không muốn tiêm vaccine nội địa Sputnik V, mặc dù nhiều nghiên cứu chỉ ra nó an toàn và hiệu quả. Khảo sát cũng chỉ ra 64% người Nga tin Covid-19 là vũ khí sinh học, dù hầu hết các nhà virus học đều khẳng định điều này là vô căn cứ.
Thiếu niềm tin vào chính phủ cũng được xem là rào cản lớn, theo Sergei Rybakov, đại diện của tổ chức Liên minh Bác sĩ thường xuyên chỉ trích phản ứng đại dịch của chính phủ Nga. Dù Moskva đã quảng bá Sputnik V khắp thế giới, thậm chí lập tài khoản Twitter riêng cho loại vaccine này, giới chức lại làm rất ít để khích lệ người Nga tiêm vaccine.
"Nhiệm vụ của chính phủ là chỉ ra tiêm vaccine là cần thiết và an toàn. Ở Nga, việc này đã không được thực hiện ở mức độ cần thiết", Rybakov nói. "Bạn cần cho mọi người thấy không tiêm vaccine sẽ nguy hiểm hơn tiêm chúng".
Những rào cản tương tự có khả năng làm chậm nhiều nỗ lực tiêm chủng ở các quốc gia khác. Babak Javid, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học bang California ở San Francisco, cho rằng ngay cả khi nguồn cung đảm bảo, một số quốc gia sẽ mất nhiều năm để tiêm chủng đủ 70% dân để đạt miễn dịch cộng đồng.
Ông cho rằng giới chức các nước có thể tập trung nỗ lực vào nhân viên y tế và nhóm người có rủi ro lớn nhất. "Bạn có thể không xóa sổ được ca tử vong vì Covid-19, nhưng ít nhất có thể giúp cơ sở hạ tầng y tế không rơi vào tình trạng quá tải", Javid nói.
Thanh Tâm (Theo Guardian)