Nhờ vaccine của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một trong những chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới, khi gần 18 triệu người, hơn 1/5 dân số nước này, đã được tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên, chiến dịch "thần tốc" này đã đình trệ, sau khi bác sĩ và quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói Trung Quốc chậm trễ chuyển giao các lô vaccine Sinovac theo thỏa thuận.
Tuần trước, một phần mạng lưới tiêm chủng mạnh mẽ của nước này đồng loạt dừng hoạt động, khi các bệnh viện và phòng khám buộc phải từ chối người đặt lịch tiêm, theo Sebnem Korur Fincanci, chủ tịch Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ. Bà cho biết đây không phải lần đầu tiên người dân bị từ chối tiêm chủng do thiếu vaccine.
Khó khăn về vaccine của Thổ Nhĩ Kỳ là minh chứng mới nhất về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cuộc chiến chống đại dịch của nhiều quốc gia. Hàng triệu liều vaccine mà Trung Quốc xuất khẩu đã mang tới "phao cứu sinh" cho hàng chục nước đang phát triển không tiếp cận được nguồn vaccine phương Tây, đồng thời cho thấy vị thế ngày càng tăng của Bắc Kinh thông qua "ngoại giao vaccine".
Tuy nhiên, ngày càng nhiều quan chức y tế ở một số quốc gia lo ngại về tính hiệu quả của vaccine Trung Quốc, trong khi nhiều chuyên gia hoài nghi về năng lực sản xuất của quốc gia này để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng nước ngoài. Vaccine Trung Quốc đang len lỏi khắp nơi trên thế giới, nhưng tại quê nhà, chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn chỉ mới bắt đầu.
Quan chức chính phủ Ai Cập cho biết mới nhận được một phần nhỏ trong đơn đặt hàng vaccine của Trung Quốc. Ngược lại, Chile đã nhận hàng triệu liều vaccine Trung Quốc, khiến nước này trở thành "nhà vô địch" về tiêm chủng. Giới chức y tế Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, đã đề nghị Trung Quốc gửi thêm vaccine. Còn Thổ Nhĩ Kỳ nói chỉ muốn nhận đủ số lượng mà Bắc Kinh đã cam kết cung cấp.
Chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đặt hàng 20 triệu liều Sinovac vào mùa thu năm ngoái, dù vaccine này đang trong quá trình thử nghiệm, trước khi quyết định tăng lên 100 triệu liều. Tuy nhiên, các lô vaccine bị trì hoãn đã buộc chính phủ này liên tục sửa lịch trình tiêm chủng giữa lúc số ca nhiễm tăng cao kỷ lục.
Thổ Nhĩ Kỳ đã báo cáo hơn 54.700 ca nhiễm mới ngày 7/4, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc nCoV lên 3,63 triệu, trong đó gần 33.000 người đã chết.
Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng trước, Tổng thống Erdogan đã bất ngờ công khai bày tỏ sự thất vọng, chỉ trích Bắc Kinh không chuyển giao đủ 50 triệu liều vaccine trong đợt đầu tiên như cam kết giao trước cuối tháng 2.
"Chúng chưa đủ", Erdogan nói với phóng viên khi kể lại cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Vương Nghị. "Chúng tôi có thỏa thuận về 100 triệu liều".
Phát ngôn viên Sinovac không trả lời yêu cầu bình luận về lý do lô vaccine của Thổ Nhĩ Kỳ bị chậm trễ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng duy trì quan hệ cân bằng với Trung Quốc trong vài năm qua, giảm chỉ trích đối với vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong bối cảnh Ankara tìm cách thu hút đầu tư từ Bắc Kinh vào nền kinh tế khó khăn của họ và gần đây là vaccine Covid-19. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói việc thiếu vaccine chưa làm ảnh hưởng tới quan hệ hai nước, nhưng "nếu Trung Quốc hứa nhiều làm ít, trong tương lai họ có thể phải thận trọng hơn".
Về xuất khẩu vaccine, Trung Quốc chỉ đứng sau Ấn Độ, quốc gia tháng trước thông báo tạm thời cấm xuất khẩu vaccine giữa lúc vấp nhiều chỉ trích vì nỗ lực tiêm chủng chậm chạp trong nước. Viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương cuối tháng trước cho biết Trung Quốc đã gửi 60% lượng vaccine sản xuất trong nước để hỗ trợ 53 quốc gia và bán cho 27 đối tác.
Cách tiếp cận của Trung Quốc trái ngược với Mỹ, khi chính quyền Tổng thống Joe Biden ưu tiên tiêm chủng cho người Mỹ và gần như không cung cấp vaccine cho nước ngoài. Nước này mới chỉ xuất 2,5 triệu liều sang Mexico và 1,5 triệu liều tới Canada.
Dư luận một số quốc gia đã dấy lên hoài nghi về mục đích cung cấp vaccine của Bắc Kinh. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng thiếu hụt vaccine đã thúc đẩy nhiều tin đồn rằng Trung Quốc cố tình trì hoãn chuyển hàng nhằm gây sức ép buộc Ankara phải dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ tị nạn ở nước này về Trung Quốc, dù quan chức hai bên phủ nhận.
Hồi tháng 1, đại sứ Trung Quốc tại Brazil buộc phải giải thích rằng việc chậm trễ giao vaccine là do vấn đề kỹ thuật chứ không phải là hành động "đáp trả" những phát ngôn chống Bắc Kinh của Tổng thống Jair Bolsonaro.
Nỗ lực "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc cũng bị cản trở do các công ty dược phẩm nước này từ chối công bố dữ liệu về tính hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, bác sĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng vaccine Sinovac đã giúp giảm tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 và công chúng không có nhiều hoài nghi về tính an toàn của loại vaccine này. Song ngày càng nhiều người lo lắng về tình trạng thiếu hụt vaccine khi đại dịch trở nên tồi tệ hơn.
Nhiều bác sĩ quan ngại về hệ thống y tế được chuẩn bị tốt cho chiến dịch tiêm chủng ở Thổ Nhĩ Kỳ bị "bỏ không". Nurettin Yiyit, đại diện của Bệnh viện Sancaktepe ở thành phố Istanbul, tháng trước trả lời phỏng vấn rằng khu vực tiêm chủng mới của bệnh viện có thể tiếp nhận hơn 800 người một ngày, nhưng ngày hôm đó chỉ có 40 người được xếp lịch tiêm chủng, gồm nhân viên y tế và người trên 65 tuổi.
Do mỗi người phải tiêm hai liều, số lượng vaccine trở nên hạn chế, khiến chiến dịch tiêm chủng không thể chuyển sang các nhóm dễ gặp rủi ro khác, theo Yiyit. Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể hoàn thành kế hoạch tiêm chủng, dù có thời điểm các quan chức đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 105 triệu liều trước cuối tháng 4.
Chứng kiến số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh trong vài tuần qua, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nỗ lực để tìm kiếm giải pháp thay thế vaccine Sinovac của Trung Quốc. Một số loại vaccine nội địa đang được nhanh chóng phát triển, đồng thời giới chức y tế thông báo đã mua hơn bốn triệu liều Pfizer và chuẩn bị ký kết hợp đồng mua với một số nguồn giấu tên.
Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tiêm chủng cho khoảng một triệu người mỗi ngày, theo Korur Fincanci, chủ tịch Hiệp hội Y tế. "Nhưng chúng tôi phải phụ thuộc vào các nước sản xuất vaccine", bà cho hay.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Anadolu Agency)