Hơn 1/4 dân số Chile đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, tỷ lệ mới chỉ có Anh, Israel và Quần đảo Seychelles đạt được. Người dân Chile không phải xếp hàng chờ đợi lâu hoặc đối mặt những thủ tục đăng ký tiêm chủng phức tạp. Tâm lý bài vaccine, rào cản lớn với chiến dịch tiêm chủng ở nhiều nước khác, lại rất thấp ở Chile.
Trước khi Chile triển khai chiến dịch tiêm chủng, ít người có thể tưởng tượng quá trình này sẽ suôn sẻ đến vậy, bởi Chile là một trong những vùng dịch nghiêm trọng nhất Mỹ Latinh. Tình hình càng thêm hỗn loạn với các cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối bất bình đẳng, kêu gọi cải cách hiến pháp.
Tuy nhiên, với chiến lược đúng đắn cùng một số yếu tố chủ chốt, Chile đã đạt được thành công lớn trong nỗ lực tiêm chủng của mình.
"Tôi nghĩ vấn đề đại dịch tại Chile chắc chắn không bị chính trị hóa nhiều như ở Mỹ, từ việc đeo khẩu trang đến lệnh phong tỏa, và giờ là vaccine. Yếu tố này vô cùng quan trọng, bởi dư luận Chile hiện nay rất phân cực", Jenny Pribble, phó giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Richmond, Mỹ, nhận định.
Trong bối cảnh thế giới đang tranh giành nhau vaccine Covid-19, Chile lại không phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung, vốn khiến công tác tiêm chủng ở các nước khác bị đình trệ. Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cho biết nước này đã đảm bảo được 35 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho toàn bộ 15 triệu người dân trưởng thành.
Không chỉ bắt đầu đàm phán với các công ty vaccine từ tháng 4/2020, chỉ một tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch, Chile còn "ăn chắc" bằng cách ký hợp đồng với nhiều hãng sản xuất nhất có thể, trước cả khi có dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả của chúng, đồng thời tình nguyện trở thành điểm thử nghiệm lâm sàng vaccine.
Chiến lược của họ đã được đền đáp, khi cả Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và Johnson & Johnson đều cam kết cung cấp cho Chile hàng triệu liều vaccine Covid-19. Các lô hàng còn đến từ hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, dù nhu cầu đối với sản phẩm của công ty này thấp hơn bởi thiếu dữ liệu về độ hiệu quả.
Giới chuyên gia đánh giá tốc độ triển khai vaccine nhanh chóng của Chile không chỉ đơn thuần dựa vào kỹ năng đàm phán khéo léo và sẵn lòng mua bất cứ vaccine nào trên thị trường. Khi bắt đầu tiến hành tiêm cho người dân, chiến dịch đã được hưởng lợi nhờ hệ thống y tế cộng đồng bao phủ rộng, với các trạm y tế được thiết lập ngay cả ở một số khu vực hẻo lánh nhất.
Chile cũng vốn có sẵn chương trình tiêm chủng quốc gia bài bản, giúp phân phối các mũi tiêm phòng cúm và vaccine cho trẻ em hàng năm. Vì vậy, cơ sở hạ tầng cho chiến dịch tiêm chủng đại trà không phải xây dựng từ đầu.
"Chúng tôi đã thực hiện công tác này trong thời gian dài", Soledad Martinez, trợ lý giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Chile, cho biết.
Sở hữu hệ thống tiêm chủng tập trung đồng nghĩa với việc mỗi khi có một nhóm mới đủ điều kiện tiêm vaccine, chính phủ sẽ nắm luôn được số lượng liều cần thiết cho mỗi cộng đồng, rồi xác định liệu có nên thiết lập một điểm tiêm chủng đại trà để đáp ứng nhu cầu hay không.
Trong khi người dân Mỹ thường mất hàng giờ mới đặt được lịch tiêm bằng hệ thống trực tuyến, người Chile không cần đặt lịch. Thay vào đó, mỗi ngày chính phủ chuẩn bị trước số lượng vaccine nhất định cho một nhóm người vô cùng cụ thể. Tất cả những gì người dân phải làm là kiểm tra lịch và chờ đến ngày tiêm của mình.
Ví dụ vào ngày 1/3, những người 64 tuổi trên toàn quốc đều có thể được tiêm. Nhóm 63 tuổi và 62 tuổi được sắp xếp vào các ngày khác trong tuần. Những người làm việc tại trường mầm non và tiểu học trong độ tuổi 36-39 cũng được sắp xếp như vậy.
Việc người dân có xu hướng khám bệnh lâu dài và gắn bó với các phòng khám địa phương cũng giúp xây dựng niềm tin vào vaccine. "Trung tâm y tế mà họ thường xuyên lui tới cũng là nơi mẹ, bà và cụ của họ khám bệnh", Martinez cho hay.
Cristobal Rovira Kaltwasser, nhà khoa học chính trị tại Đại học Diego Portales, cho biết những thuyết âm mưu về nguồn gốc đại dịch từng khiến ông lo lắng rằng người Chile sẽ từ chối tiêm vaccine Trung Quốc, trong khi phần lớn vacine của nước này do Sinovac cung cấp. Nhưng Kaltwasser bị bất ngờ khi đến nay có rất ít người tỏ ra do dự.
Theo Martinez, một số người Chile ban đầu muốn tiếp tục chờ đợi vaccine Pfizer-BioNTech. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó không còn lo ngại khi giới chức y tế chỉ ra rằng Sinovac cũng sản xuất vaccine cúm được sử dụng trên khắp đất nước.
Giới chức Chile dự đoán 80% dân số sẽ được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ vào tháng 6, mở ra triển vọng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, cuộc chạy đua tiêm chủng vẫn tiềm ẩn đầy khó khăn, trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm nCoV gia tăng khi Chile bước vào mùa đông. Quốc gia Nam Mỹ này đang chứng kiến đợt bùng phát tồi tệ nhất trong gần 9 tháng.
"Đây là một khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn. Có ánh sáng cuối đường hầm, nhưng đồng thời cũng xuất hiện những con số khủng khiếp", Martinez nói.
Theo phó giáo sư Pribble, dữ liệu do chính phủ Chile công bố còn có những chênh lệch về đối tượng được tiêm vaccine. Các cộng đồng có thu nhập cao hơn ở khu vực thủ đô Santiago có xu hướng đạt tỷ lệ tiêm chủng lớn hơn so với những cộng đồng thu nhập thu nhập thấp hơn.
Sự chênh lệch này có thể chiến dịch tiêm chủng của Chile chậm lại khi phần lớn cư dân thu nhập cao đã tiêm xong, trọng tâm chuyển sang khu vực thu nhập thấp và khó tiếp cận hơn.
Tình trạng bất bình đẳng tại Chile được thể hiện ngay trong hệ thống y tế. Khoảng 80% dân số dựa vào các phòng khám công, vốn thường xuyên gặp khó khăn vì thiếu kinh phí. Trong khi đó, 20% dân số giàu nhất chi tiền để mua bảo hiểm tư nhân và được hưởng dịch vụ y tế hàng đầu.
Tuy nhiên, vaccine Covid-19 lại được phân phối thông qua hệ thống y tế công. Một số nhà quan sát dự đoán chiến dịch tiêm chủng suôn sẻ có thể chỉ tạm thời giúp Tổng thống Sebastian Pinera được nâng mức tín nhiệm, nhưng tầm ảnh hưởng rộng lớn của việc này có khả năng làm tăng niềm tin vào lĩnh vực công, trong điều kiện chính phủ có đủ nguồn lực.
Juan Pablo Luna, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Pontificia Universidad Catolica de Chile, nhận định với nhiều người dân nước này, bài học rút ra là họ cần dịch vụ công nhiều hơn và tốt hơn.
"Tôi nghĩ điều này cuối cùng sẽ trở thành một biểu tượng cho những gì người dân muốn nhìn thấy tại đất nước", chuyên gia đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)