Quyết định đầy táo bạo này được chính phủ Anh đưa ra với sự ủng hộ của một nhóm 16 nhà khoa học, khi họ chấp nhận rủi ro của việc bỏ qua hướng dẫn từ các nhà sản xuất vaccine để có thể tiêm liều thứ nhất cho nhiều người hơn.
Canh bạc của London dường như đã thành công, dữ liệu hiện nay cho thấy một liều vaccine cũng có khả năng bảo vệ cơ thể lâu dài. Nhưng trong khi một số quốc gia như Canada đang học theo Anh, những nước khác như Mỹ không làm vậy, nói rằng cách làm này có thể gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.
Quyết định của chính quyền Anh là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khác trong cuộc chiến chống dịch. Cuộc tranh luận làm dấy lên câu hỏi liệu một số chính phủ và cố vấn khoa học của họ, như ở Liên minh châu Âu (EU), có đang quá sợ rủi ro hay không, khi chiến dịch tiêm chủng của họ diễn ra chậm chạp một cách đáng kinh ngạc.
Hồi tháng 12/2020, khi khi biến chủng nCoV dễ lây lan hơn xuất hiện trên khắp nước Anh, nhóm nhà khoa học trong Ủy ban Chung về Tiêm chủng và Miễn dịch Anh (JCVI) kết luận rằng việc trì hoãn tiêm liều thứ hai tới 12 tuần, trái ngược với khuyến cáo 3-4 tuần của nhà sản xuất, nhằm tối đa hóa số người được tiêm mũi thứ nhất.
"Sẽ thật hèn nhát nếu không đưa ra quyết định đó", Adam Finn, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Bristol, thành viên JCVI, cho biết. "Chúng tôi có một lượng vaccine nhất định và một khoảng thời gian nhất định".
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair, người ủng hộ ý tưởng này, cho biết khi đối mặt với khủng hoảng, chính phủ Anh sẵn sàng làm những điều khác biệt. "Cách truyền thống là 'chúng ta phải chắc chắn, chúng ta phải cần thêm dữ liệu'. Làm vậy cũng được thôi, nhưng bạn biết đấy, khi đại dịch hoành hành, nhiều sinh mạng và sinh kế mất đi hàng tuần", ông nói.
Tuy nhiên, Jennifer Nuzzo, giáo sư, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho rằng việc phá cách này có nguy cơ làm lung lay niềm tin của công chúng với vaccine nếu nảy sinh vấn đề. "Thật khó để tưởng tượng Mỹ đưa ra quyết định như vậy", bà nói.
Anh đã tiêm cho hơn một nửa dân số trưởng thành ít nhất một mũi vaccine, vượt qua Mỹ và các nước láng giềng châu Âu. Dự kiến tất cả người trưởng thành Anh được tiêm ít nhất một mũi vaccine trước cuối tháng 7. Số người chết hàng ngày do Covid-19 ở Anh giảm xuống dưới 100.
Tốc độ tiêm chủng nhanh chóng giúp nền kinh tế Anh có cơ hội mở cửa trở lại vào mùa xuân và mùa hè. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo kinh tế tăng trưởng bùng nổ vào cuối năm nay sẽ bù đắp cho những thiệt hại do đại dịch.
Tuy nhiên, một số bác sĩ vẫn lo ngại về cách tiếp cận không chính thống của Anh, đặc biệt là rủi ro đối với người già yếu nếu khả năng miễn dịch nhanh chóng mất đi sau mũi tiêm đầu tiên. Chiến lược trì hoãn liều hai sẽ bị thử thách trong những tuần tới, khi các nhà sản xuất vaccine đang chật vật đáp ứng nhu cầu toàn cầu và các quốc gia đang tranh giành nguồn cung. 31 triệu người Anh được tiêm mũi đầu tiên, trong khi chỉ 4,1 triệu người đã tiêm mũi thứ hai.
Anh đã thực hiện nhiều "canh bạc" trong cách chống dịch, trong đó một số là quyết định sai lầm. Ban đầu họ trì hoãn áp lệnh phong tỏa vì theo đuổi ý tưởng miễn dịch cộng đồng, khiến Anh trở thành vùng dịch chết chóc nhất ở châu Âu.
Nhưng đối với chiến lược vaccine, canh bạc cho đến nay đã thành công. Chính phủ sớm mạnh tay chi để có nguồn cung vaccine lớn. Cơ quan quản lý của Anh cũng cấp phép vaccine sớm hơn bất kỳ nước nào. Quốc gia này đã tiêm vaccine AstraZeneca-Oxford cho người cao tuổi mặc dù có không có nhiều dữ liệu chứng minh nó có hiệu quả với nhóm tuổi đó. Jeremy Brown, chuyên gia về các bệnh hô hấp, đánh giá chính phủ Anh "đã dám hành động trước khi có dữ liệu để ủng hộ quan điểm của mình".
Thông thường, giới chức triển khai tiêm vaccine cho công chúng giống như cách tiến hành trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Nếu muốn thay đổi, họ cần thử nghiệm trong môi trường thực. Tuy nhiên, JCVI vốn có truyền thống đề xuất rằng họ thể thay đổi mà không cần tiến hành thêm thử nghiệm, lập luận rằng làm vậy giúp tiết kiệm tiền và thời gian mà không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của bệnh nhân.
JCVI từng thay đổi khuyến nghị về liều lượng cho một loại vaccine được sử dụng rộng rãi để ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em năm 2006. Ở Mỹ, ba liều được tiêm trong năm đầu đời của trẻ, sau đó là một liều nhắc lại. Các nhà nghiên cứu cho biết tại Anh, chỉ hai liều được tiêm trong năm đầu tiên mà hiệu quả bảo vệ vẫn tương đương.
Không giống các cơ quan tư vấn tiêm chủng ở các nước khác, "chúng tôi có thể tư vấn dựa trên các nguyên tắc cốt lõi khi thiếu dữ liệu", Finn nói.
Ban đầu, khi nhận dữ liệu thử nghiệm từ các nhà sản xuất Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca, chính phủ Anh vẫn làm đúng theo chỉ dẫn của các hãng là tiêm hai mũi cách nhau ba tuần.
Khi dữ liệu thử nghiệm vaccine AstraZeneca được công bố vào cuối tháng 11/2020, các nhà khoa học bối rối trước một phát hiện tình cờ. Những tình nguyện được tiêm nửa liều rồi tiêm một liều đầy đủ một tháng sau hoặc lâu hơn có phản ứng miễn dịch tốt hơn nhiều so với những người được tiêm hai liều đầy đủ gần nhau hơn.
Phát hiện này đặt ra câu hỏi liệu phản ứng miễn dịch tốt hơn là do giảm nửa liều hay thời gian giữa các mũi tiêm. "Đó là điều khiến chúng tôi phải suy nghĩ", Finn nói. Các thành viên cho biết JCVI đã họp vào cuối tháng 12/2020 và quyết định trì hoãn thời gian tiêm liều thứ hai.
AstraZeneca, Pfizer và Moderna không khuyến cáo trì hoãn thời gian tiêm mũi thứ hai vì họ đã xác định mức hiệu quả của vaccine dựa vào thử nghiệm tiêm hai mũi cách nhau 3-4 tuần. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho rằng việc trì hoãn liều thứ hai có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Ở EU, Hà Lan đã kéo dài khoảng thời gian giữa hai mũi lên 6 tuần. Một số quốc gia khác đang cân nhắc khoảng thời gian dài hơn, nhưng hầu hết đều tuân theo khuyến nghị của nhà sản xuất, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu.
Tại châu Âu, việc triển khai AstraZeneca đang gặp trở ngại vì các thông tin rằng vaccine gây tác dụng phụ như đông máu. Những sự cố này đã được chứng minh là hiếm gặp ở Anh và cơ quan y tế của EU cuối cùng xác định nó an toàn.
David Strain, bác sĩ kiêm giảng viên tại trường y của Đại học Exeter ở Anh, cho rằng với việc kéo dài khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm, ông lo lắng những người cao tuổi dễ bị tổn thương không được bảo vệ đầy đủ và nguy cơ lây nhiễm của họ có thể tăng lên trong khoảng thời gian dài chờ đợi.
Tuy nhiên, dữ liệu cho đến nay cho thấy việc kéo dài thời gian là hợp lý. Các nghiên cứu về nhân viên y tế Anh đã tiêm chủng cho thấy họ có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chỉ sau một liều vaccine. Một phân tích kết luận rằng nó có hiệu lực tương đương với một người từng khỏi nCoV rồi sau đó tiêm một liều vaccine.
"Chúng tôi thấy khá yên tâm", Susanna Dunachie, giáo sư nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Oxford, nói.
Phương Vũ (Theo WSJ)