Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây liên tục nhận được yêu cầu hỗ trợ vaccine từ các nước khác. Bản thân Tổng thống Joe Biden cũng đối mặt nhiều câu hỏi tương tự khi điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài, những người thúc ép ông giải thích việc Mỹ tích trữ vaccine vượt nhu cầu.
Dù đã nhận được lượng lớn vaccine từ Trung Quốc và Nga, nhiều nước vẫn liên tục yêu cầu nhận được Mỹ và châu Âu hỗ trợ nhiều nhất có thể để chống lại đại dịch.
Ngày càng cảnh giác trước nỗ lực "ngoại giao vaccine" của Bắc Kinh và Moskva nhằm thúc đẩy quan hệ với các nước khao khát được bắt đầu chương trình tiêm chủng, cũng như việc Mỹ đang tiến sát thời điểm có thể tiêm chủng cho toàn bộ người dân, Biden đã bắt đầu xây dựng nhiều kế hoạch mạnh mẽ để chia sẻ vaccine cho nước ngoài.
Ngày 5/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo bổ nhiệm Gayle Smith, cựu giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), phụ trách điều phối phản ứng quốc tế với Covid-19. Smith gần đây là giám đốc điều hành của ONE Campaign, tổ chức phi chính phủ kêu gọi chính quyền Biden chuyển một số nguồn cung cấp vaccine của Mỹ cho nước ngoài.
Quyết định bổ nhiệm bà Smith là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden đã sẵn sàng tính tới việc chia sẻ vaccine với nước khác, sau thời gian dài dồn nguồn lực ưu tiên tiêm chủng cho người dân Mỹ, theo một quan chức Nhà Trắng.
Các nhà ngoại giao Mỹ cho biết họ sẽ thảo luận nội bộ trong những tuần tới về nơi Mỹ nên gửi lượng vaccine Covid-19 dư thừa, dựa trên nhiều yếu tố như lợi ích của Mỹ ở các khu vực khác nhau và mức độ dịch Covid-19 ở từng quốc gia. Các nước Nam và Trung Mỹ được đánh giá đặc biệt quan trọng vì làn sóng di cư tới Mỹ hiện nay, nhưng Washington chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về địa điểm gửi vaccine.
Cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia đã chia sẻ vaccine cho hàng chục nước trên thế giới, sẽ là thách thức lớn, theo quan chức Mỹ. Nhưng khi toàn thế giới vẫn mong muốn có vaccine của Mỹ và châu Âu, chính quyền Biden cho rằng vẫn chưa quá muộn để Mỹ "lật ngược thế cờ".
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm 5/4 nói nước giàu phải giúp nước nghèo đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, đồng thời cảnh báo việc không thể ngăn chặn Covid-19 ở nước ngoài sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và gây thêm thiệt hại cho Mỹ.
"Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, thế giới sẽ ngày càng bị ảnh hưởng bởi sự phân hóa sâu sắc giữa nước giàu và nước nghèo", bà nói.
Mỹ đã công bố những cam kết tài chính riêng cho các tổ chức sản xuất và phân phối vaccine ở những nước đang phát triển, bao gồm 4 tỷ USD cho Covax của Liên Hợp Quốc, đồng thời cam kết hỗ trợ mở rộng sản xuất vaccine ở Ấn Độ với mục đích phân phối cho khu vực châu Á.
Washington cũng đã cung cấp các lô vaccine AstraZeneca dự trữ, chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt, cho Mexico và Canada, sau khi lãnh đạo hai nước này nêu đề xuất với Tổng thống Biden trong các cuộc hội đàm trực tuyến hai tháng qua.
Chính phủ Mỹ đã mua nhiều liều vaccine hơn nhu cầu để có thể tiêm chủng cho toàn bộ người dân, với nhiều đơn đặt hàng các loại vaccine hiện có gồm Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca. Sự thận trọng của Biden trong việc chia sẻ những liều vaccine dư thừa xuất phát từ nhiều lý do, cả về chính trị và tình hình thực tế.
"Tại sao chưa đến lúc chúng tôi chia sẻ vaccine cho mọi quốc gia trên thế giới? Một phần bởi chúng tôi cần có kế hoạch cho những điều sắp tới", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói hôm 5/4, dẫn sự cố khiến 15 triệu liều vaccine Johnson & Johnson bị hỏng. "Chúng tôi phải lên kế hoạch cho hàng loạt tình huống bất ngờ. Đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm".
Tuy nhiên, bà Psaki tuần trước cũng nói rằng các cuộc thảo luận về chia sẻ vaccine "cuối cùng sẽ diễn ra". "Khi chúng tôi ngày càng tin tưởng rằng đã có đủ vaccine, chúng tôi sẽ xem xét nhiều lựa chọn để chia sẻ chúng rộng rãi hơn", bà nói.
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 2 cho biết 66% người trưởng thành Mỹ tin chính phủ nên đảm bảo đủ lượng vaccine cho người dân, dù điều này có thể khiến các nước đang phát triển phải chờ đợi nguồn cung vaccine lâu hơn. Đây là quan điểm nhận được sự đồng thuận ở cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa.
Trong khi đó, chính quyền Biden xem bản chất khó lường của virus, khi chúng liên tục biến chủng và lây lan ở Mỹ, là lý do chính khiến nước này phải dự trữ vaccine thay vì chia sẻ. Các quan chức nói khả năng xuất hiện nhiều biến chủng hơn và triển vọng phải tiêm mũi nhắc lại cho người dân là nguyên nhân khiến nhiều người chần chừ với việc chia sẻ vaccine của Mỹ, dù họ biết rõ sẽ dư thừa vaccine.
Tuy nhiên, Biden cũng từng cam kết sẽ chia sẻ vaccine với các nước. "Nếu chúng tôi dư thừa vaccine, chúng tôi sẽ chia sẻ nó với phần còn lại của thế giới", Biden cam kết tháng trước. "Chúng tôi sẽ đảm bảo cho người Mỹ trước, sau đó sẽ cố gắng giúp đỡ phần còn lại của thế giới".
Hiện chưa rõ chính quyền Biden sẽ chờ đợi bao nhiêu phần trăm người Mỹ hoàn thành chương trình tiêm chủng trước khi bắt đầu chia sẻ vaccine với nước khác, nhưng các cuộc thảo luận về vấn đề này dự kiến diễn ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới.
Smith, điều phối viên mới, sẽ tổ chức thảo luận liên ngành để quyết định việc chia sẻ vaccine sẽ diễn ra như thế nào và khi nào chính quyền sẵn sàng làm điều đó. Tổ chức ONE Campaign từng kêu gọi Mỹ chuyển 5% lượng vaccine hiện có cho nước ngoài khi 20% dân số Mỹ được tiêm chủng.
"Khi chúng tôi ngày càng tự tin hơn về lượng vaccine sẵn có trong nước, chúng tôi sẽ xem xét nhiều lựa chọn để chia sẻ với các nước khác", Ngoại trưởng Blinken nói tại Bộ Ngoại giao ngày 5/4 khi thông báo bổ nhiệm Smith. "Chúng tôi tin rằng có thể làm nhiều hơn nữa trên mặt trận này. Tôi biết nhiều quốc gia đang yêu cầu Mỹ làm nhiều hơn, một số nước ngày càng tuyệt vọng vì quy mô và phạm vi ứng phó khẩn cấp Covid-19 của họ. Chúng tôi nắm được điều đó và tôi cam kết sẽ cố gắng nhanh nhất có thể".
Quan chức an ninh quốc gia Mỹ cũng thừa nhận giá trị về mặt ngoại giao, chiến lược và y tế mà việc chia sẻ vaccine cho nước ngoài mang lại. Nhưng họ hiểu quan điểm của Tổng thống Biden về việc ưu tiên cho người Mỹ, nên rất ít tranh cãi nội bộ xảy ra về vấn đề này.
Ngoại trưởng Mỹ hôm 5/4 nói Washington sẽ không "đánh đổi các mũi tiêm để giành lợi ích chính trị", nhưng không cung cấp chi tiết về những kế hoạch chia sẻ vaccine với nước ngoài của chính quyền.
Blinken cũng vạch ra những "giá trị cốt lõi" khác mà ông tin sẽ định hướng kế hoạch cho Bộ Ngoại giao về vaccine. "Chúng tôi sẽ không hứa hẹn quá nhiều và phân phối ít hơn. Chúng tôi sẽ duy trì tiêu chuẩn cao cho những loại vaccine mà chúng tôi giúp đỡ nước khác, khi chỉ cung cấp những loại đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh vào cách tiếp cận dựa trên công bằng", ông nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)