(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm VnExpress.)
Tôi là tác giả của bài viết 'Lương 10 năm tăng 50%, giá nhà đất có thể tăng 100%'. Sau bài viết, tôi thấy rất nhiều bạn chia sẻ dù đã đi làm 8-10 năm tại TP HCM, Hà Nội, nhưng thu nhập của họ cũng không quá 15 triệu đồng/ tháng. Vậy do xã hội đã không nhìn thấy tài năng của họ để sử dụng, hay do họ chưa xác định đúng mục tiêu để phấn đấu, con đường để đi và nỗ lực đủ lớn để thực hiện?
Tôi xin chia sẻ một ví dụ cụ thể của một gái sinh năm 1996 (năm nay 24 tuổi), gia cảnh hết sức bình thường, nhưng hiện mỗi tháng đã có thu nhập 30 triệu đồng và "tích lũy" được tài sản 300 triệu đồng. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có cơ hội nhìn lại mục tiêu và con đường đi trong tương lai.
Năm 2017, tôi tình cờ gặp Thảo (tên nhân vật đã được thay đổi) khi cho thuê một căn nhà của mình. Cô làm thuê cho một nhóm chuyên kinh doanh theo hình thức "thuê nhà rồi cho thuê lại". Thời điểm đó, cô 21 tuổi, đang học năm cuối đại học, chuẩn bị ra trường. Thảo xác định làm việc này không chỉ để kiếm tiền, mà còn muốn đi theo các anh chị đi trước để phát triển sự nghiệp.
Quá trình rèn luyện 10.000 giờ
Quá trình làm việc, tôi rất ngạc nhiên khi biết một mình Thảo quản lý cùng lúc sáu căn nhà cho người chủ - khối lượng công việc gấp bốn lần nhân sự với quỹ lương 30 triệu đồng/ tháng như tôi. Hàng ngày, trong khi phần lớn bạn bè cùng trang lứa xúng xính tụ tập trà sữa tám chuyện, cày game online, yêu đương... hay làm các công việc bán thời gian dưới máy lạnh mát mẻ..., Thảo phải chạy khắp thành phố từ Quận 3 sang Quận 10, Quận 7, Quận 8, Bình Thạnh để xử lý công việc ở các căn nhà. Điện thoại bạn đổ chuông liên tục từ sáng đến đêm khuya (ai làm nghề cho thuê nhà cũng hiểu, 2-3h sáng điện thoại reo cũng phải nghe, tiếp nhận ý kiến khách hàng và xử lý sự cố). Có thể, do bị ép ôm đồm quá nhiều, nên chất lượng hiệu quả công việc của cô mang lại chưa cao lắm, nhưng cũng tạm chấp nhận được với khối lượng kinh khủng như vậy.
Suốt hai năm, mỗi ngày Thảo đều đặn phải vừa làm vừa học hỏi các công việc như vậy từ 14 -16 tiếng, trong điều kiện luôn thiếu ngủ (đặc thù ngành ngày không có ngày nghỉ lễ, Tết). Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cô đã tích lũy đủ 10.000 giờ rèn luyện (15 giờ/ ngày trong hai năm).
Lùi để tiến - chấp nhận thua một trận đấu để thắng cả cuộc chiến
Điều làm tôi kinh ngạc hơn cả là Thảo chỉ nhận mức lương 4,5 triệu đồng/ tháng. Đa số chúng ta đều không bao giờ chấp nhận mức lương này cho khối lượng công việc trên (chỉ bằng 15% so với quỹ lương 30 triệu đồng cho khối lượng công việc tương tự của tôi). Vậy tại sao Thảo lại chấp nhận làm một công việc cực khổ với mức lương rẻ mạt như vậy, phải chăng do cô khờ nên bị chủ bóc lột?
Khi tôi thắc mắc, câu trả lời của bạn làm tôi còn kinh ngạc hơn về tầm nhìn của một người cô gái U20. Thay vì nghĩ tiêu cực rằng người chủ đang bóc lột mình, Thảo nói: "Thật ra người chủ mới thiệt thòi vì đang phải chấp nhận rủi ro mất tiền trong kinh doanh, bỏ tiền ra làm cho em học việc. Tránh để mất tiền cũng là một cách kiếm tiền mà".
>> Tôi từ chối thu nhập 25 triệu đồng, chọn việc lương 0 đồng
Đối với sinh viên mới ra trường, để có thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng/ tháng, các bạn phải trải qua 4-5 năm đi học. Vậy, để làm hiệu quả trong ngành cho thuê, kiếm được vài chục triệu mỗi tháng (như lời người ta hay đồn), cũng không thể chỉ nghe vài chia sẻ, vài buổi cà phê, hay vài buổi hô hào "tôi tin bạn, bạn sẽ làm được" trong các khóa học, là có thể làm được.
Với ngành thuê nhà - cho thuê lại, để đủ kiến thức và kinh nghiệm chiến đấu, cần làm thực tế vài căn trong ít nhất hai năm. Để làm 2-3 căn nhà, bạn sẽ phải bỏ vốn ra ít nhất 300 triệu đồng. Nếu bạn mới bắt đầu bước ra tập làm, khả năng thất bại và mất luôn 300 triệu đó khá cao, cộng với thời gian công sức bạn bỏ ra trong hai năm (khoảng 150 triệu đồng nữa) là bạn đã mất 450 triệu đồng (ngần bằng hai năm đi làm thuê với mức lương 6 triệu đồng/ tháng).
Thay vì tự ra làm riêng với khả năng cao mất 300-450 triệu đồng, Thảo đã chọn con đường "lùi để tiến - thua một trận đấu để thắng cả cuộc chiến" - chấp nhận đi làm thuê với mức lương rẻ mạt, tận dụng tiền của người khác để học hỏi cho mình. Với con đường này, Thảo xem như đã "tích lũy" được ít nhất 300 triệu đồng và đủ kiến thức, kinh nghiệm ra chiến trường chỉ trong hai năm làm thuê.
Hái quả
Sau khi đã "đủ lông đủ cánh", tích lũy đủ kinh nghiệm xương máu, nhận thấy người chủ cũ vẫn không đủ tầm để "chứa" mình, năm 2019, Thảo đã tự tách ra làm riêng. Căn đầu tiên làm riêng, bạn xoay xở vay mượn thêm từ bạn bè, người thân được vài chục triệu đồng. Sau một năm, căn đầu tiên đi vào ổn định, trả xong nợ cũ và tích lũy được thêm vài chục triệu, bạn tiếp tục lấy căn này nuôi tiếp các căn thứ hai, thứ ba và hiện đang có được mức thu nhập ổn định 30 triệu đồng/ tháng. Tổng giá trị đầu tư của ba căn khoảng 300 triệu đồng, chính là tài sản bạn tích lũy được sau bốn năm đi làm. Và tôi tin chắc chắn trong 1-2 năm tới, tài sản của bạn sẽ tiếp tục nở thêm và thu nhập của bạn sẽ không dưới 100 triệu đồng/ tháng.
Đến đây, nếu bạn vẫn đang băn khoăn: "Do bạn ấy hên nên mới có thể vay mượn được vốn từ gia đình, bạn bè để làm căn đầu tiên; trong khi mình cũng đầy ắp ý tưởng nhưng làm gì cũng không ai ủng hộ cho mượn tiền", thì hãy đọc kỹ lại quá trình rèn luyện và thành công của cô ấy để hiểu lý do.
Trường hợp như Thảo ở đây rất cá biệt, vì không phải ai cũng đủ trí tuệ, nỗ lực, kiên trì và may mắn chọn đúng con đường phù hợp từ sớm như thế. Nhưng chắc chắn một điều, bạn phải "xác định rõ mục tiêu từ đầu – hy sinh, đánh đổi nhiều năm ăn chơi tuổi xuân, liên tục miệt mài rèn luyện con đường của mình".
Để kết lại bài viết, tôi xin chia sẻ một quan điểm như sau: "Trong 8-10 năm đi làm, nếu bạn không thể trở thành trưởng nhóm hoặc quản lý tầm trung để có thu nhập trên 25 triệu đồng/ tháng, bạn có thể trách cha mẹ không cho mình trí óc đủ thông minh và nền tảng giáo dục tốt từ nhỏ; nhưng nếu bạn không thể trở thành một nhân viên giỏi để kiếm được thu nhập 15-18 triệu đồng/ tháng, thì đó là lỗi của bạn".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.