BS.CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mùa mưa là thời điểm kiến ba khoang gây hại nhiều nhất. Kiến ba khoang có kích thước nhỏ nhưng trong dịch tiết của chúng chứa độc chất pederin - mạnh gấp 10-15 lần nọc độc của rắn hổ mang.
Chỉ cần một lượng nhỏ pederin dính lên da sẽ kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ, gây ngứa, bỏng rát, sưng đỏ. Nếu không được phát hiện và xử trí đúng cách, vùng tổn thương phồng rộp, nổi mụn nước, mụn mủ.
Theo bác sĩ Vân, thói quen chạm, cào gãi lên vùng da tổn thương hoặc các vùng da có khuynh hướng cọ xát nhau khi hoạt động có thể làm độc tố lan sang các vùng lân cận, khiến tổn thương rộng hơn. Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, nổi hạch vùng nếu tổn thương nặng và lan rộng. Chăm sóc, điều trị không đúng cách dễ dẫn đến nhiễm trùng, bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, vi nấm khác) và tăng nguy cơ để lại vết thâm, sẹo xấu trong nhiều tháng.
Nguy hiểm hơn, nếu chất độc pederin dính vào mắt lượng nhiều hoặc tổn thương cơ học do kiến ba khoang bay đập mạnh vào mắt có thể gây viêm kết mạc, tổn thương giác mạc, nặng hơn là mất thị lực tạm thời. Người có cơ địa mẫn cảm, người bị suy giảm miễn dịch có thể gặp các phản ứng nghiêm trọng hơn như dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Vân, lượng độc do kiến ba khoang tiết ra rất nhỏ, thường không nguy hiểm đến tính mạng. Người tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang cần rửa vết thương ngay với xà phòng và nước sạch để loại bỏ độc tố. Trường hợp vết thương gây đau, phồng rộp, nổi mụn mủ hoặc ở các vị trí nhạy cảm như mắt hoặc người bệnh là trẻ em, thai phụ, người lớn tuổi cần tới chuyên khoa da liễu để được điều trị kịp thời. Tránh tự đoán bệnh và điều trị bằng các phương pháp dân gian hoặc đơn thuốc của người khác vì có thể nhầm lẫn với bệnh zona, khiến tình trạng nặng hơn.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |