Sau 4 tuần tổ chức (13/7 đến 9/8), cuộc thi "Trở về quê hương" đã nhận gần 450 bài dự thi, trong đó 400 tác phẩm chất lượng và đáp ứng đúng tiêu chí được chọn đăng. Các bài viết đều khơi gợi những ký ức từ trong sâu thẳm trái tim, là nỗi niềm trăn trở của người con xa quê mong ước được trở về tổ quốc thân yêu và những kinh nghiệm, giá trị đúc kết từ cuộc sống, bài học thành công và thất bại của chính tác giả đã trải nghiệm.
Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã chọn ra 3 tác phẩm hay và phù hợp tiêu chí nhận giải thưởng chung cuộc. Bài dự thi được chọn vào giải chung cuộc tình cờ đều là cảm xúc của những cô con gái viết về người cha. Hai bài văn xuôi và một bài thơ đã xác định ưu điểm nổi trội so với các bài dự thi khác nhờ cách viết chững chạc, bố cục hoàn chỉnh và biết cách diễn đạt cảm xúc gây ấn tượng cho người đọc.
Tác phẩm giải nhất chung cuộc “Bát canh thừa” của tác giả Nguyễn Ngọc Trâm Anh có cách kể hấp dẫn, thể hiện được sự cồn cào dồn nén bộc lộ sự từng trải. Tác giả lột tả được gia cảnh khó khăn, người cha gà trống nuôi con, đứa con mặc cảm vì nhà nghèo, vì người cha bề ngoài thô nhám… nhưng giọng văn lại không rơi vào lối cường điệu hoặc sướt mướt. Sự từ tốn, tiết chế, có lúc khá lạnh, khiến cho câu chuyện thêm sâu sắc và lắng đọng.
“Yêu thương dành tăng ba” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hân nhận giải nhì chung cuộc bởi lối viết đơn giản và mộc mạc, nói lên sự day dứt của người con khi nhìn thấy đôi chân sần sùi, đầy vết chai và thậm chí không biết cả cỡ giày của cha mình. Đôi chân, cỡ giày… là những chi tiết vô cùng riêng tư và gần gũi, dường như chỉ những người thân yêu mới bận tâm khi nghĩ đến nhau. Với cách viết đơn giản và mộc mạc, nhưng câu chuyện có sự liền mạch và tiếp nối ý tưởng qua hình tượng đã mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc.
Giải ba chung cuộc thuộc về tác phẩm “Sự lặng thầm của ba” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương đã đưa người đọc cuốn theo mạch cảm xúc tăng dần trước tình cảm chan chứa yêu thương của cha dành cho con, nhưng ông luôn giấu chặt trong lòng. Tác giả đã thể hiện cấu trúc bài thơ chặt chẽ, độ nén cảm xúc tăng dần, đoạn kết khá cân đối với phần còn lại. Mỗi khổ thơ được xây dựng có ý thức về nhịp và tiết tấu thông qua cách viết câu dài ngắn, nhờ thế không gian trong khổ thơ được hình dung ra một cách rõ nét.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét, khoảng cách thế hệ và những mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái ở nhiều bài viết thường được khai thác như chất liệu chính của từng tác phẩm. Đây sẽ là dữ kiện đáng lưu ý cho một cuộc điều tra hay đề tài nghiên cứu xã hội học. Nó cũng cho thấy gia đình - tế bào của xã hội - đang diễn ra sự biến động sâu sắc. Không phân biệt thành thị hay nông thôn, gia đình như quê hương thu nhỏ đã thành nơi tụ hội các giá trị truyền thống.
Theo nhà văn, điều đáng ghi nhận ở các bài đoạt giải là tác giả chắt lọc được giá trị ấy qua những hình tượng vật chất có khả năng hàm chứa biểu tượng: bát canh thừa cũng là thứ có khả năng bao dung mọi sự, tựa như tấm lòng rộng mở của người cha; chiếc xe đạp cha chở con trong cả mấy bài viết; đôi bàn tay có ngón cụt, đôi chân thô nhám của cha như tấm căn cước trần trụi về kiếp người…
Những tác phẩm đạt giải chung cuộc cũng là tác phẩm hay nhất mỗi tuần. Các tác phẩm không xưng tụng ngợi ca quê hương ồn ào, mà viết trực tiếp về những người sinh ra mình, để rồi nhận ra ở đấy một hình bóng quê nhà cụ thể, máu thịt.
Ngoài 3 tác phẩm nhận giải thưởng chung cuộc, tác phẩm “Quê hương tôi” của tác giả Ngô Việt Khánh Huy đã thể hiện nỗi nhớ da diết về những buổi cùng ba dạo vườn tìm sầu riêng đem ra chợ bán, nhớ những buổi quang gánh tưới rau cho mẹ, nhớ cả những bữa cơm nóng còn nghi ngút khói... Tác phẩm nhận được 115.670 sự quan tâm với 105.000 lượt like và nhận giải “Bình chọn chung cuộc”, với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng.
Giải thưởng chung cuộc với giải nhất trị giá 20 triệu đồng; giải nhì trị giá 10 triệu đồng; giải ba trị giá 5 triệu đồng. 4 tác phẩm thắng giải nhất tuần, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng được trao cho: "Cha là mặt trời soi sáng đời con" - tác giả Phạm Thị Hà, "Sự lặng thầm của ba" - tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương, "Yêu thương dành tặng ba" - tác giả Nguyễn Thị Thanh Hân, "Bát canh thừa" - tác giả Nguyễn Ngọc Trâm Anh.
Theo nhận xét của Ban giám khảo, một số bài viết tuy không được giải nhưng cũng chạm vào cảm xúc người đọc nhờ chọn những chi tiết đắt giá và có giọng văn chân thật, giản dị, được đánh giá cao trong cuộc thi này.
Buổi lễ trao giải thưởng sẽ được diễn ra vào đầu tháng 9. Thời gian và địa điểm trao giải, ban tổ chức sẽ liên hệ trực tiếp với từng độc giả. Mọi thắc mắc, liên hệ: 08. 73009999 - 8563.
Thư Kỳ