Tôi sắp sửa vào năm ba đại học. Cái ngành tôi chọn, ai gặp cũng hỏi: "Mốt ra làm cái gì?". Tôi cứ cười xuề xòa thế rồi cúi đầu xin phép phải đi. Người đời có nhiều cái thắc mắc vô lý lắm, có trả lời hay không cũng vậy. Nên thôi. Tôi học ngữ văn Tây Ban Nha. Có người nói với tôi biết thêm một ngôn ngữ như có thêm một cuộc đời. Tôi tham lam. Tôi cũng muốn có nhiều cuộc đời.
"Kiếp này mày nghèo là tại kiếp trước không tu", tôi cười khẽ. Có ai trên đời này ước mình vừa sinh ra đã nghèo túng đâu. Vậy mà giờ nếu cho tôi được chọn, tôi vẫn sẽ chọn mình là một đứa trẻ nghèo lấm lem... Tôi sinh ra trong một gia đình bình dân. Ba mẹ ly hôn khi tôi vừa hơn một tuổi - cái tuổi cần lắm hơi ấm và tình thương của người mẹ. Ba trở thành người cha và cũng là người mẹ, một thân một mình chăm sóc cho ba đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Con gái mà, đầu tóc phải gọn gàng, ừ, ba ráng ngồi gồng mình, tê chân bó cả trăm bó lá xông, khuya thồ lên cái xe đạp thồ cũ kỹ chạy ra tận chợ Cầu Muối bỏ mối cho người ta, lấy tiền về mua cho mấy đứa con gái cái kẹp tóc. Nhà tận Thủ Đức, tối nào đạp lên tới chợ Cầu Muối áo cũng ướt đẫm mồ hôi và sương đêm nhưng ba cứ đi. Mấy đứa con gái ở nhà nằm ngủ co ro, đâu biết được ba cực khổ...
Mẹ chẳng bao giờ về thăm ba và chúng tôi. Hàng xóm, họ hàng thương ba thân "gà trống nuôi con", ai có gạo góp gạo, ai có muối góp muối. Rồi chị em chúng tôi dần lớn lên, còn thân ba thì ngày càng gầy hao. Cái tuổi dậy thì của tôi ương bướng, học hành nghiêm túc từ nhỏ chẳng cần ai nhắc nhở, nhưng tính khí thì dở dở ương ương. Lúc đó, tôi vẫn còn nhỏ, chưa hiểu hết sự cực khổ của ba, cứ thế mà hỗn hào cho đúng với cái lứa tuổi của mình. Dù nghèo khó, nhưng ba vẫn cố gắng cơm ngày ba bữa cho chúng tôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.
Ba chị em tôi lúc nhỏ được chọn vào đội văn nghệ nhà thiếu nhi quận, ba cố gắng sắp xếp thời gian chở chúng tôi đi sinh hoạt. Đứa nào lớn rồi thì nhà có “xe đạp đầm”, tự mà đi ba không đưa đón nữa. “Xe đạp đầm” là kiểu gọi dành cho mấy đứa nhỏ chân ngắn cũn cỡn như chị Hai tôi ngày xưa cưỡi con xe của người lớn, chống chân không tới, đạp cũng chả hết một vòng pê đan nên cứ cà nhấp cà nhấp thế mà tới nơi.
Những con dốc đường Thủ Đức đối với đứa trẻ mười mấy tuổi là cả một vấn đề. Vậy mà chị em tôi cứ đi, cứ đi. Để được ca hát, nhảy múa trên những sân khấu sáng đèn, rộn rã tiếng vỗ tay. Giống như chị em Liên trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam, hằng ngày chúng cứ đợi đoàn tàu đi qua, để được vài phút đắm mình trong ánh đèn rực rỡ chiếu ra từ những toa hạng sang, từ những cửa kính sáng loáng. Mấy chị em tôi cũng vậy, cũng muốn một phút giây nào đó quên đi mình là những đứa trẻ nghèo, được trà trộn trong đám con nhà giàu, hít mùi phấn thơm tho trên người họ rồi hoang tưởng mình cũng giống như họ…
Tôi trở thành một trong những giọng hát chính của đội văn nghệ thiếu nhi quận lúc bấy giờ. Đối với những đứa trẻ cùng lứa khác, đó là cả một niềm tự hào. Và chúng muốn mời hết cả ba mẹ anh chị em cô bác họ hàng lên xem chương trình biểu diễn. Tôi thì ngược lại. Tôi chưa bao giờ muốn mời ba lên xem tôi diễn cái gì, hỏi diễn ở đâu tôi cũng trả lời qua quýt rồi thôi. Con của ba đẻ ra mà, nhìn cái cách nó đi nó đứng, nó nói nó cười, ba biết nó nghĩ gì, nên ba ít khi có mặt trong những buổi diễn của tôi. Tôi lấy làm sung sướng lắm. Trong khi cha của ai cũng ngồi dưới khán đài cổ vũ, mẹ của ai cũng quần quần áo áo đứng sẵn trong cánh gà đợi con mình hát xong bài này là nhào vô giúp con thay đồ để ra diễn bài khác, tôi lầm lũi tự mình làm tất cả mọi thứ, cũng không cần ai khích lệ.
Bàn tay của ba tôi thô kệch, đen đúa vì làm nhiều việc nặng nhọc. Những cái móng tay bị nước phèn và nhựa lá cây ăn mòn đến nỗi không mọc dài ra nổi. Bàn tay phải của ba có cái ngón trỏ bị cụt. Tôi thấy ngại khi ba xuất hiện cùng tôi ở đâu đó. Vì những suy nghĩ ích kỷ của một đứa con gái mới lớn, tôi dường như đã quên hết những lần ba đèo tôi trên chiếc xe đạp thồ, ê mông lắm nhưng vui, vì ba dành dụm tiền, giấu các chị tôi mà mua kem, mua bánh cho tôi ăn. Những trưa hè hai cha con lưỡng lự hồi lâu mới dám ghé vào một quán nước mía ven đường, gọi một ly hai cha con uống chung. Có lần nào ba qua nhà hàng xóm làm công, người ta dúi cho hai quả vải, ba đem về, hai cha con chia đôi quả vải, quả kia cho hai chị. Vải đầu mùa chua lắm, nhưng mà lúc đó sao thấy ngọt trong lòng. Nhiều kỷ niệm xúc động với ba lắm, nhưng hình như lúc đó tôi chẳng nhớ nổi cái nào, chỉ muốn mình thoát khỏi cái ánh mắt khinh khi của người đời, thoát khỏi chữ nghèo bị người ta dán vô mặt rồi suốt ngày chỉ trỏ. Đáng ghét lắm.
Một lần nọ, có người hàng xóm gọi tôi qua nhà bảo sẽ cho ít thức ăn. Tôi tò tò đi theo. Tới nơi, người phụ nữ đó trút nồi canh khổ qua đã ngả màu trộn chung với một chút canh bí xanh đã rụt rã trao cho tôi, còn chép miệng bảo: “Cũng toàn là đường, muối, bột ngọt đồ không, bỏ đi phí lắm”. Tôi cầm cái nồi canh hỗn độn đó về, lí nhí cảm ơn rồi cúi đầu thật thấp lầm lũi về nhà để không ai thấy tôi đang khóc. Nhà tôi nghèo, ừ, nhưng chúng tôi cũng là con người mà, con người thì có lòng tự trọng. Tôi không thèm ăn nồi canh đó, vậy mà ba ăn. Tôi hậm hực với ba. Ba nói: “Người ta cho mình, lấy về rồi thì phải ăn đi chớ đổ mang tội”. Ai cho đồ thừa, đồ dở tới cỡ nào ba cũng ăn. Ăn hết. Đồ ngon hơn chút xíu ba để lại cho ba đứa con gái. Chừng nào ba đứa ăn đã đời, dư lại thì ba mới ăn. Có đồ ngon hỏi ba ăn không, lúc nào ba cũng nói là ba không đói, ba ăn rồi. Vậy mà mấy đứa con gái tin. Ăn hết mấy thứ ngon, thứ bổ rồi to con lớn xác…
Tuổi thơ tôi dần trôi qua. Chị em tôi không còn sinh hoạt ở đội văn nghệ nhà thiếu nhi quận nữa vì đã lớn cả rồi. Các chị đi học rồi đi làm. Chị Hai làm cán bộ Nhà nước, chị Ba làm công ty nước ngoài, cũng có đồng ra đồng vô. Tôi còn đi học. Tôi không theo ca hát. Tôi thích ngôn ngữ hơn. Và tôi học tiếng Tây Ban Nha vì tôi thích. Cái việc dịch một cuốn sách nước ngoài ra tiếng mẹ đẻ bằng sự hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ của mình làm tôi thấy thích thú. Người ta kể chuyện cười thì mình phải dịch sao cho người xứ mình đọc câu chuyện đó cũng phải cười, cười vì hiểu. Tôi thích vậy.
Ba không như những bậc phụ huynh của các gia đình khác, ba không bắt ép con mình học cái mình muốn, ba nói tôi muốn học gì cứ học, thiếu tiền thì ba cho. Lúc này ba lớn tuổi rồi, ai dám lấy tiền của ba nữa. Cái miệng ăn là của mình, cái con mắt đọc sách là của mình, cái đầu là của mình, muốn bồi bổ cái gì cho mình thì lấy tiền mình chứ sao lấy tiền ba?
Tôi lao vào cuộc mưu sinh tự kiếm đồng tiền từ năm lớp tám. Cho tới bây giờ, cái đầu tôi đã nhanh nhẹn hơn, biết chủ động tìm ra chỗ nào cần mình, thò tay chộp lấy cơ hội, kiếm được hai chục ngàn cũng là kiếm tiền, là đồng tiền sạch sẽ, tôi thấy tự hào vì mình nghèo nhưng không làm gì sai trái. Ba dạy tôi đó. Từ những hành động nhỏ thôi, nhưng để ý dần thì thấy đó là cả một cuộc đời đẹp, đứa nào không biết học theo thì đứa đó là đứa ngu. Tôi không đến nỗi ngu nên tôi học được từ ba rất nhiều thứ. Từ cách ăn nói đến cách cư xử. Tôi nghĩ tôi đã lớn. Những ký ức tuổi thơ cũng trở nên mờ nhạt bởi những bài học, bài tập từ trên lớp đến về nhà làm tôi không còn thời gian để nhớ về chúng nữa.
Một chiều tan lớp, như thường lệ, tôi đón chuyến xe buýt đông đúc, ồn ã để về nhà. Mưa tầm tã, lối đi trên xe buýt ướt nước, người qua kẻ lại dây nó ra làm mọi ngóc ngách trên xe cũng ướt nước theo. Ngồi trên xe, tôi ngắm nhìn đường phố qua tấm kính cửa sổ mờ mờ do lâu ngày chưa được lau chùi và do hơi nước đọng. Chiều nay trời mưa to quá. Các con phố ngập nước mưa, người đi đường ai ai cũng vội vã chạy nhanh hơn để trở về nhà. Bất chợt, trên xe buýt vang lên bản nhạc không lời “Childhood memory” của nhóm Bandari. Ai đó tặng cho ba mình bài hát này vào một chiều mưa kèm theo lời xin lỗi rằng không thể về quê thăm ba đang bệnh vì không đủ tiền. Có lẽ là sinh viên xa nhà. Tôi bỗng chạnh lòng nghĩ về ba.
Ngay lúc này đây, dưới lòng đường ngập nước, một hình ảnh gây xúc động khác làm tim tôi nghẹn lại vài giây. Nước mắt tôi tự dung tuôn ra không kiểm soát. Dưới làn mưa kia, một người cha đang đẩy bộ chiếc xe gắn máy, trên xe là đứa con gái chừng lớp năm đang nhăn nhó ra vẻ khó chịu vì xe của ba nó bị hư giữa đường. Lòng tôi thắt lại. Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh ba tôi đẩy chiếc xe đạp thồ cà tàng dưới trời mưa như trút, nước ngập qua đầu gối nên ba đạp xe không nổi. Cái đứa ngồi chễm chệ trên xe mặt nhăn nhó là tôi, miệng lầm bầm. Ba vẫn im lặng đẩy chiếc xe qua khỏi chỗ ngập rồi leo lên xe chở tôi đi tiếp, lúc đó tôi vẫn còn khó chịu… Tôi òa khóc, như một đứa trẻ. Tôi đã làm gì vậy chứ? Đó là ba của tôi mà? Người ba đã không quản khó nhọc, ngày leo cây hái lá xông về bó, đêm hôm đi bỏ mối lấy tiền về cho tôi cơm no áo ấm, không dám đi bước nữa vì sợ chúng tôi không được mẹ kế thương yêu, sao tôi dám đối xử với ba mình như vậy mà chẳng mảy may nhớ ra?
Cũng không có lời xin lỗi đến ba, tôi cứ im như thóc mà hoang tưởng mình là người có ăn có học đã lớn đã khôn. Bao nhiêu ký ức tuổi thơ tôi ùa về, ba chọc tôi cười bằng cái ngón trỏ cụt của ba, ba chở chị em tôi trên chiếc xe đạp ngày xưa cười cười nói nói, có bữa chị Hai tôi còn lọt đất vì yên xe không đủ chỗ ngồi, ba ôm tôi ngủ những ngày nhỏ tôi không có mẹ cạnh bên, ba đem bánh trái về cho chị em tôi, cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm đạm bạc mà đầy tiếng cười. Ba so bàn tay ba với bàn tay tôi, hai bàn tay ba chín ngón còn tôi thì mười… Tôi đưa mắt nhìn hai bàn tay mình nhẵn nhụi, nấc lên từng tiếng.
Chiếc xe dừng lại, tôi chạy thật nhanh về nhà. Ba vẫn ngồi như thế, một mình trước hiên nhà, chốc chốc tay lại đẩy gọng kính lên để đọc cho rõ mấy dòng chữ nhỏ xíu trong tờ báo trước mặt. Tôi đứng ngoài cổng nhìn ba thật lâu rồi mới vào nhà. Lau sạch nước mắt lấm lem trên má, tôi nhìn ba cười: “Ba, con xin lỗi nghen, ba đừng có giận con gì nghen ba, nhà mình nghèo mà vui ba ha”.
Trâm Anh
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.