Còn nhớ tôi khi ấy là con nhỏ năm nhất, lần đầu tôi xa nhà đến nửa ngày đường đi xe khách. Vậy mà lúc bước lên xe rời xa mảnh đất tôi hà hơi hít thở 18 năm, tôi đã mỉm cười lòng không lay động, vẫy tay để an ủi ánh mắt đầy lo lắng của ba nhạt dần trong cái nắng hè còn rực. Tôi tự dặn lòng “mọi thứ rồi sẽ ổn”.
Thật sự tôi không ổn như tôi đã nghĩ. Mỗi lúc gọi điện về nhà, tôi lại phải chạy vào nhà tắm để không cho mấy chị trong phòng nhìn thấy tôi khóc, cũng phải gồng lên để ba má đầu dây bên kia không nghe được tiếng nấc của mình. Từ lâu, tôi nhét con người yếu đuối của mình vào bên trong, giả lả cười để mọi người tin tưởng chắc chắn tôi đã thừa mạnh mẽ để có thể vượt qua bất kỳ chuyện gì.
Đó chính là những ngày cuối của học kỳ đầu, tôi vui sướng đến phát điên khi thời gian càng trôi, tôi lại càng sớm được về với gia đình. Khi ấy, tôi muốn mua tặng ba má thứ gì đó, dù rằng chúng không phải là những đồng tiền do chính tay tôi làm ra. Ngẫm lại, tôi mới thấy chưa bao giờ tôi mua cho ba một món đồ gì cả. Tôi đã sống vô tâm biết nhường nào và cứ thế mà chìa tay nhận lấy mọi thứ từ ba má nhiều quá.
Quà của má, tôi dễ dàng lựa xong, nhưng còn của ba, tôi chần chừ qua lại. Tôi thật sự không biết phải mua cho ba món gì, vì tôi chẳng biết ba của tôi thích thứ gì. Ba biết tôi thích xem xiếc, nên mỗi khi có đoàn về biểu diễn, ba lại tất tả dẹp bớt công việc chở tôi đi. Ba biết tôi thích chơi búp bê, nên mỗi khi ghé cửa hàng hay siêu thị, ba lại nhắc má mua cho tôi một con. Ba biết tính tôi lơ đãng, nên sáng nào đi học, ba cũng dặn tôi đã mang theo đủ đồ chưa. Ba biết tôi thích ăn tôm, nên những lúc má không ở nhà nấu nướng, ba đi chợ liền chọn mua tôm thật lớn về làm món kho cho tôi.
Còn tôi cũng ở cùng ba 18 năm, vậy mà chưa bao giờ quan tâm rằng ba của mình thích thứ gì cả.
Tôi chợt nhớ đến hình ảnh nhạt đi trong nắng lúc ba tiễn tôi lên xe khi ấy. Tôi nhìn thấy đôi dép đã sờn của ba, đôi dép nhựa màu be ba mang đã được 3 năm, đầu dép mòn hẳn đi, làm lộ ra những ngón chân sần sùi của ba. Ba đem ba lô lên xe cho tôi, ngại ngần tháo dép xách trên tay, tôi biết ba sợ đôi dép dính đất bùn của mình sẽ vấy bẩn chiếc xe người ta. Tôi lặng lẽ nhìn dáng người ba từ phía sau, trông gầy guộc hanh hao như ba vừa vụt qua trước mắt tôi hàng thế kỷ. Đó là lần đầu tiên tôi phát hiện ra ba của tôi đã già rồi.
Tôi nhìn đôi giày da đen mượt trong ánh đèn màu của gian hàng nhỏ. Nó đẹp lắm khi tôi tưởng tượng ba mang nó vào chân. Nhưng buồn làm sao, tôi không biết ba vừa với cỡ giày bao nhiêu. Nực cười quá, còn nhớ lúc nhỏ, chân tôi bị tê thất, đến mùa lạnh nó lại buốt đến độ không ngủ được. Ba tỉ mẩn cắt gừng giã nhỏ, rửa chân cho tôi rồi đắp nó vào, lại cẩn thẩn quấn vải thật chặt và đẹp để gừng không bị vung ra khi tôi chạy nhảy. Ấy vậy mà bao nhiêu năm qua, tôi chưa lần nào sờ soạn đôi chân ba, để biết nó ra sao, rắn rỏi như thế nào? Và từ bao giờ đôi chân ấy bắt đầu chai đi và thêm nhiều sẹo như thế?. Không phải ba giấu nó quá kỹ, mà chính tôi đã không bao giờ cho bản thân nhìn thấy một lần.
Nhấc máy lên gọi cho ba trong dòng xúc động còn nghẹn nơi cuống họng, lạ là tôi đã không khóc, tôi nghĩ mình sẽ òa lên cho những vô tâm của tôi vụn vỡ thành từng mảnh nhỏ mà trôi theo nước mắt. Tôi muốn nói với ba, rằng dù ba của tôi không hoàn hảo như những ông ba khác ngoài kia, nhưng ba luôn yêu thương tôi theo cách hoàn hảo nhất mà chỉ có ba mới làm được.
Nguyễn Thị Thanh Hân
- Alo, ba ơi, ba mang dép size bao nhiêu vậy ba?.
- Trời, con gái định mua dép cho ba hả, má mày chắc là hờn mát cho mà xem. Thôi, con để dành tiền mà mua quần áo tết, ba có đi đâu đâu mà mua làm gì.
- Hông, con muốn mua thiệt mà, ba nói đi, hông con giận đó.
- Hừ, ba của mày mang dép lớn hơn mày 7 số đó con. Ba con mình chân nhỏ như nhau mà.
- Ba, con cảm ơn ba......