Hàng ngày ra đường, hẳn nhiều người trong chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những hình ảnh xấu xí như: dừng xe giữa đường (thay vì quan sát và tấp vào lề), dùng điện thoại khi lái xe, chạy rùa bò, lấn làn trái, đi ngược chiều, chạy ôtô vào hẻm nhỏ, dừng xe mua hàng rong trên vỉa hè gây ách tắc giao thông, dùng lòng đường làm chỗ đậu xe... Đó chỉ là vài ví dụ điển hình xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên đường Việt. Chúng ta luôn mong muốn có giao thông văn minh, nhưng bản thân lại không có trách nhiệm với chính mình và với xã hội thì khẩu hiệu văn minh cũng chỉ mãi mãi là lời nói gió bay.
Tôi sinh ra và lớn lên ở TP HCM, cũng có vài chục năm tham gia giao thông, nhưng thời điểm hiện tại, tôi phải thừa nhận rằng văn hóa lái xe của nhiều người cực kỳ tệ. Chúng ta chưa có những nghiên cứu việc gây cản trở lưu thông gây thiệt hại thế nào với xã hội, nhưng những nước tiên tiến hơn đã có, và hậu quả thật sự rất lớn, chỉ là chúng ta chưa hình dung được.
Để minh chứng, tôi xin lấy một ví dụ nhỏ của bản thân. Tôi có việc phải liên hệ thường xuyên với đối tác ở Long An, khoảng cách 30 km. Về mặt lý thuyết, một lần đổ xăng đầy bình xe máy, tôi có thể đi và về ba lần (tức sáu lượt - 180 km) nếu đi với tốc độ tối đa 60 km/h (tốc độ khai thác thực tế trung bình là 40 km/h). Nhưng nếu tôi chỉ đi 40 km/h (tốc độ trung bình chỉ đạt 20 km/h) thì cùng lượng xăng đó, tôi chỉ đi và về được hai lần (bốn lượt - 120 km).
Nguyên nhân là do tốc độ tối ưu cho các động cơ là từ 50-80 km/h tùy vào từng loại xe, kể cả động cơ điện cũng vậy. Nhưng thực tế người ta khó lòng chạy được với tốc độ trên do bị cản trở bởi các xe chạy chậm. Các tài xế đường dài hoặc chạy dịch vụ thì càng rõ về việc này hơn bất cứ ai, vì vậy họ thường chạy tối đa có thể. Với các động cơ đốt trong, việc chạy chậm còn khiến cho nhiên liệu không thật sự cháy hết, gây ô nhiễm môi trường nặng thêm. Với động cơ điện, việc chạy chậm làm tiêu hao điện do ma sát nhiều, gián tiếp làm tiêu tốn nhiều điện hơn để sạc đầy.
>> Xe rùa bò trên Quốc lộ như 'chim mồi' bẫy vi phạm giao thông
Chất lượng không khí ở các thành phố lớn gần đây phản ánh đúng với những gì giao thông tạo ra - khí thải. Vì nếu tốc độ giao thông được nâng cao, chúng ta sẽ tạo ra đối lưu không khí (luồng khí lưu thông), góp phần giảm nhẹ ô nhiễm cục bộ. Nhiều người tin rằng việc chạy chậm sẽ giảm tai nạn giao thông, tôi thì cho là ngược lại. Vì các nước tiên tiến đã làm nghiên cứu và kết luận là tai nạn là do không tuân thủ luật là chính, tai nạn do phượng tiện thật ra rất nhỏ.
Việc này, theo tôi bắt nguồn từ thực tế chúng ta đã buông lỏng việc sát hạch và cấp phép lái xe trong một thời gian dài. Thêm nữa, việc kiểm tra giấy phép lái xe cũng không được thực hiện nghiêm. Đồng ý rằng siết sát hạch và kiểm tra có thể gây ra không ít bất tiện cho người tham gia giao thông, nhưng chúng ta có tính tới chi phí điều trị hoặc những thiệt hại gây ra bởi việc không tuân thủ luật. Những nỗi đau này thật sự rất dễ dàng phòng chống, bằng cách học và đi đúng luật. Cái khó là chúng ta luôn xem nhẹ cho đến khi nó xảy ra cho chính mình.
Việc tham gia giao thông văn minh, an toàn, ngoài việc tự nâng cao ý thức thì duy trì thế nào còn là trách nhiệm của lực lượng chức năng. Nghị định 168 là hồi chuông cảnh tỉnh người tham gia giao thông sau một thời gian dài buông lỏng khiến cho chất lượng giao thông trở nên xấu xí. Hy vọng, mỗi người sẽ hiểu và nên tự điều chỉnh ý thức và hành vi cá nhân để đúng với tôn chỉ: "Sống và làm việc theo pháp luật", qua đó giúp giao thông Việt ngày một văn minh, tiến bộ.
- Thói ích kỷ của những tài xế bám làn trái cao tốc
- Tài xế ích kỷ khi đi 'rùa bò' trên cao tốc
- Ám ảnh xe khách 'rùa bò' 70 phút trên quãng đường 2 km
- Cấm xe máy thế nào khi giao thông 'rùa bò'?
- Xe tải và container 'rùa bò' nhiều tài xế chịu trận
- Đường hẹp, xe 'rùa bò' ám ảnh tài xế Phan Thiết - Sài Gòn