Trả lời:
Tiết mồ hôi là cơ chế quan trọng giúp hạ thân nhiệt cho cơ thể, nhất là khi hoạt động gắng sức hoặc khi tiếp xúc với môi trường nóng bức. Theo mô tả, có thể bạn đang gặp phải tình trạng tăng tiết mồ hôi, tức là cơ thể sản xuất mồ hôi quá mức sinh lý cần thiết. Tăng tiết mồ hôi thường xuất hiện ở vùng nách, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu mặt, lưng, bụng, vùng bẹn...
Nguyên nhân của tăng tiết mồ hôi được chia thành nguyên phát và thứ phát.
Tăng tiết mồ hôi nguyên phát thường gặp ở người trẻ tuổi, bệnh tự phát mà không liên quan đến các bệnh đồng mắc khác. Tăng tiết mồ hôi nguyên phát thường ở hai bên và có tính đối xứng như lòng bàn tay, lòng bàn chân, hai nách hoặc trán.
Người bệnh nhóm này thường có những triệu chứng như mồ hôi ướt đẫm áo quần, giày dép và những vật dụng khi sờ chạm; mồ hôi lắng đọng ở trán, ẩm ướt bàn tay khi bắt tay; cảm giác về mồ hôi có mùi. Tăng tiết mồ hôi nguyên phát diễn ra theo chu kỳ và có thể được thúc đẩy bởi cảm xúc, căng thẳng. Những triệu chứng này thường xuất hiện vào ban ngày và biến mất khi ngủ.
Tăng tiết mồ hôi thứ phát thường gặp ở người lớn tuổi, không liên quan tiền sử gia đình và có thể xảy ra kể cả khi ngủ. Bệnh có thể xuất hiện do sốt, mang thai, mãn kinh hoặc liên quan đến các bệnh như nội tiết, tim mạch, nhiễm trùng, bệnh lý thần kinh, rối loạn về chuyển hóa và tâm thần. Bệnh cũng có thể do tác dụng phụ của thuốc giảm đau opioid, kháng sinh, kháng virus, thuốc tim mạch, chống trầm cảm, chống động kinh, hạ đường huyết...
Tăng tiết mồ hôi thứ phát thường biểu hiện toàn thân, thường phân bố không đối xứng. Các vị trí đổ mồ hôi hay gặp nhất là mặt, cổ, lưng, ngực, bẹn...
Bạn nên đến chuyên khoa da liễu để được khám, chẩn đoán nguyên nhân tăng tiết mồ hôi và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp ít xâm lấn thường được chỉ định gồm:
Thuốc thoa tại chỗ là cách đơn giản nhất, thường dùng cho trường hợp tăng tiết mồ hôi thứ phát mức độ nhẹ đến trung bình, ít tác dụng phụ. Những loại thuốc thoa này thường chứa muối nhôm. Muối nhôm phản ứng với protein trong ống dẫn của tuyến mồ hôi tạo nên hàng rào cơ học giúp ngăn ngừa tiết mồ hôi. Sản phẩm nên được thoa lên vùng da khô ráo hoàn toàn từ một lần mỗi tuần hoặc nhiều hơn, nên thoa khi đi ngủ và lưu lại trên da suốt đêm.
Tiêm botulinum toxin (botox) là phương pháp thường được bác sĩ chỉ định cho trường hợp tăng tiết mồ hôi vùng nách, lòng bàn tay bàn chân, vùng bẹn... Botox ức chế đường dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm chức năng kích hoạt tuyến mồ hôi. Các tín hiệu này dẫn tới tuyến mồ hôi bị giảm không hoạt động, từ đó giảm tăng tiết mồ hôi và mùi hôi.
Thời gian kéo dài hiệu quả của botox trung bình khoảng 6 tháng, cần tiêm lặp lại để duy trì hiệu quả lâu dài. Sau khi tiêm botox, người bệnh có thể gặp một vài tác dụng phụ như sưng, đỏ, bầm nhẹ ở vùng da điều trị, nhức đầu... Các triệu chứng này thường chỉ ở mức độ nhẹ và biến mất sau đó.
Riêng vùng dưới cánh tay có thể sử dụng công nghệ vi sóng để phá hủy vĩnh viễn tuyến mồ hôi. Máy phát ra năng lượng vi sóng tập trung phá hủy tuyến mồ hôi ở sâu dưới da. Tuyến mồ hôi bị hủy vĩnh viễn, không thể phục hồi. Công nghệ này xâm lấn tối thiểu, hiệu quả giảm tăng tiết mồ hôi rõ rệt, có tác dụng gần như vĩnh viễn sau 1-2 lần. Sau điều trị, người bệnh có thể sưng đau, bầm tím ở vùng này vài ngày hoặc hiếm hơn là tê tay. Nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật, người bệnh có thể bị bỏng da.
ThS.BS CKI Phạm Trường An
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |