Nhân sự việc Xét xử vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành mới đây, tôi xin được phiếm bàn một chút về câu chuyện danh xưng trong văn hóa của người Việt. Có lẽ, các trường hợp liên quan đến việc bạo hành trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của người dân, mà đặc biệt chính là các bậc phụ huynh, những người đang làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà.
Thực tế, cứ nhắc đến dì ghẻ hay cha dượng, người ta lại nghĩ ngay đến những hình tiêu cực, gán cho họ những suy nghĩ, hành động xấu xa. Dù họ có tốt đến đâu, thiện tính đến đâu thì dường như cũng chẳng được ai ghi nhận hay có thiện cảm. Vô tình, để phản ứng lại cái nhìn của xã hội, chính những người trong cuộc lại dần đánh mất đi sự lương thiện và cái tâm trong sáng của mình.
Tôi nghĩ nên xem lại những định kiến bao lâu nay xung quanh câu chuyện thân phận, vai vế? Phải chăng chính những tiếng gọi, tiếng xưng hô mang tính chất phân biệt giữa con người với nhau, như cha mẹ ruột - cha mẹ vợ - cha mẹ chồng, hay cha dượng - cha ruột, dì ghẻ - mẹ ruột... lại là một trong những nguyên nhân hình thành nên tư duy, suy nghĩ lệch lạc của nhưng người trong cuộc trong một hoàn cảnh, một gia đình cụ thể nào đó?
Đôi khi chính ánh mắt dè bỉu, phân biệt đối xử của xã hội về những người bị gọi là "cha dượng", "dì ghẻ" lại là nguồn cơn kích thích họ dùng bạo lực để thể hiện được vị trí, chỗ đứng của mình. Để rồi, những đứa trẻ vô tội lại trở thành nạn nhân sau cùng từ những chuyện phức tạp của người lớn.
>> Bi kịch ngoại tình vì mạng xã hội
Mỗi gia đình, mỗi dòng tộc, địa phương, vùng miền, không chỉ ở đất nước ta mà cả trên thế giới, dù tiếng gọi, xưng hô khác nhau thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ là hình thức, bề ngoài mà thôi. Nhưng tất cả luôn có một điểm chung, cùng xuất phát từ một thể, đó chính là "con người". Chính vì lẽ đó ở con người, dù bất kể dân tộc nào, ở đâu trên thế giới, thì không ai có thể cướp đi cái quyền cao nhất của con người, chính là "quyền được sống", được tôn trọng.
Chúng ta cũng nên nhìn nhận lại vấn đề xưng hô, tiếng gọi dùng để phân biệt như thế có thật sự cần thiết và phù hợp với thời đại ngày nay không? Liệu có còn cách xưng hô nào khác thay thế không? Tôi nghĩ là có, nhưng ở mỗi người sẽ có cách riêng cho mình, cho gia đình, cho dòng tộc của mình.
Với cá nhân tôi, dù là con ruột hay con rể, con dâu; mẹ ruột hay dì ghẻ; cha ruột hay cha dượng... đi chăng nữa thì hãy nghĩ rằng con nào cũng là con; cha, mẹ nào cũng là cha, mẹ. Vì trong thực tế, có rất nhiều trường hợp chưa chắc con ruột đã đối đãi với cha mẹ ruột bằng người con rể hay con dâu. Ngay cả cha dượng hay dì ghẻ, dù rằng không phải là bậc sinh thành, nhưng cũng có không ít người sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ, chăm sóc con riêng của vợ (chồng) như con đẻ của mình.
Nguyễn Tấn Lộc
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.