Ca can thiệp diễn ra vào đầu tháng 7, tại Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh (Hà Nội). BS.CKII Bùi Việt Hưng, Trưởng khoa Dịch kính Võng mạc và Bệnh cho biết, bệnh nhi Thanh Tâm (3 tuổi) có khối u võng mạc kèm tình trạng lác và rung giật nhãn cầu. Dựa trên tình trạng bệnh và cân nhắc các biện pháp điều trị, bác sĩ chỉ định sử dụng phương pháp lạnh đông võng mạc.
Thủ thuật kéo dài 30 phút, gây mê sâu bệnh nhân để thuận lợi hơn trong can thiệp. Bác sĩ dùng thiết bị để truyền nhiệt lạnh tới khối u, làm lạnh sâu để phá hủy tế bào ác tính, làm khối u thoái triển, thu hẹp kích thước. Sau can thiệp, bé gái nghỉ ngơi hồi sức và hoàn toàn tỉnh táo.
Cuối tháng 7, bé tái khám sau một tháng phẫu thuật, sức khỏe tốt, khối u có dấu hiệu thoái triển, thị lực tốt, không biến chứng bong võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính. Bé tiếp tục được hẹn tái khám vào tháng 8 để theo dõi tình hình khối u.
Theo bác sĩ Hưng, thách thức lớn nhất khi can thiệp ca bệnh này là tránh ảnh hưởng hệ thống dây thần kinh thị giác tập trung ở vùng võng mạc. Lý do, hệ thống dây thần kinh này khi bị tổn thương sẽ không thể phục hồi. Trong quá trình can thiệp, bác sĩ Hưng kết hợp máy chụp đáy mắt góc rộng kỹ thuật số cầm tay Phoenix Icon để tiếp cận khối u chính xác. Đây là thiết bị duy nhất có thể chụp võng mạc diện rộng, chuyên dụng cho sàng lọc bệnh lý mắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trước thực hiện thủ thuật, bác sĩ dùng Phoenix Icon để đánh giá tình trạng khối u, từ đó can thiệp chuẩn xác hơn.
Năm 2021, bé Tâm tròn 7 tháng tuổi, mẹ phát hiện bé có đốm sáng trong mắt khi vào phòng tối, trước đó tầm nhìn bình thường. Đến khám tại bệnh viện ở TP HCM, bé được chẩn đoán mắc u nguyên bào võng mạc ở cả hai mắt. Đây là bệnh ung thư mắt thường phát triển ở trẻ nhỏ, đặc biệt nhóm dưới 5 tuổi.
Bác sĩ chỉ định truyền hóa chất, sau 4 tháng khối u vẫn tiến triển nhanh, khiến mắt bên phải hỏng hoàn toàn, buộc phẫu thuật loại bỏ. "Gia đình chấp thuận bỏ một mắt vì bệnh đe dọa tính mạng con, nguy cơ cao di căn, đồng thời khiến mắt trái yếu đi", gia đình bé nói.
Năm 2022, gia đình từ TP HCM ngược ra Hà Nội để khám tại một bệnh viện. Bé được can thiệp tiêm động mạch ba lần, nhiều lần laser quang đông nhưng khối u võng mạc vẫn không giảm kích thước. Đến tháng 7, gia đình đưa bé đến Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh và được can thiệp ngăn khối u phát triển.
U nguyên bào võng mạc có tỷ lệ 1/15.000, biểu hiện thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn hoặc bỏ qua. Dấu hiệu nhận biết là mắt có ánh đồng tử trắng, quan sát được khi chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng.
Trẻ có khối u võng mạc có thể bị lác, mắt không nhìn thẳng mà có thể lác vào trong hoặc ra ngoài. Một số biểu hiện khác là: mắt đau, đỏ, nhìn kém, lồi mắt, dị sắc mống mắt (màu sắc lòng đen hai mắt khác nhau), mắt giãn to... "Bệnh phát triển nhanh, nếu không được điều trị, khối u có thể lấp đầy mắt và phá hủy cấu trúc bên trong nhãn cầu, di căn sau 6 tháng, thậm chí dẫn tới tử vong sau một năm", bác sĩ Hưng cho biết.
Hiện có nhiều phương pháp can thiệp điều trị ung thư nguyên bào võng mạc như tiêm nội nhãn, laser quang đông, lạnh đông võng mạc, xạ trị... Phương án điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh và khả năng đáp ứng của trẻ.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo, trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em bị u nguyên bào võng mạc nên được sàng lọc nhãn khoa ngay sau khi sinh. Việc này giúp phát hiện sớm các bất thường ở mắt.
Khuê Lâm
*Tên bệnh nhi được thay đổi.
20h ngày 1/8, Trung tâm Mắt Công nghệ cao Tâm Anh thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp Báo VnExpress tổ chức tọa đàm tư vấn trực tuyến, chủ đề "Bệnh lý mắt ở trẻ em và người lớn: Cận thị, lão thị, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, glocom...".
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia nhãn khoa: TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao Tâm Anh; PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ và BS.CKII Bùi Việt Hưng, Trưởng khoa Dịch kính Võng mạc và Bệnh phần sau nhãn cầu.
Các chuyên gia sẽ giải đáp thắc mắc, chia sẻ kiến thức về các bệnh lý mắt phổ biến ở trẻ em và người lớn, phương pháp chăm sóc, điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát.