Tàn nhang xuất hiện do tăng sản xuất melanin - sắc tố quyết định màu da, đặc trưng bởi các dát màu nâu nhỏ trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như mặt, cổ và cánh tay. Nguyên nhân gây tàn nhang bao gồm di truyền, ánh nắng mặt trời. Dù không gây hại cho sức khỏe song tàn nhang ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, laser sử dụng ánh sáng cường độ cao và bước sóng phù hợp để phá vỡ các hắc sắc tố trong da. Các tế bào melanin bị phá vỡ, sau đó được cơ thể đào thải tự nhiên, giúp làm mờ các đốm tàn nhang. Có hai loại laser thường được ứng dụng điều trị tàn nhang là laser Q-Switched KTP (532 nm) và Q-Switched Nd:YAG (1064 nm). Cả hai đều cho hiệu quả cao, an toàn, ít gây tổn thương các vùng da xung quanh.
Thời gian điều trị tàn nhang khoảng 20-30 phút một lần, không gây đau và không cần thời gian nghỉ dưỡng. Tùy mức độ nghiêm trọng và tình trạng da của từng người mà hiệu quả làm mờ tàn nhang thường thấy rõ sau 2-3 buổi điều trị. Để mang lại hiệu quả tốt nhất, bác sĩ có thể kết hợp với các phương pháp bổ trợ như peel da hóa học để tái tạo bề mặt da, điện di đưa dưỡng chất vào sâu bên trong hoặc sử dụng các loại kem bôi ức chế sản xuất melanin.

Bác sĩ xóa tàn nhang bằng laser cho một phụ nữ. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau điều trị laser, người bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 30. Hạn chế sử dụng mỹ phẩm chứa các hoạt chất gây bắt nắng hoặc kích ứng da trong và sau khi điều trị.
Bác sĩ Trang lưu ý laser không phù hợp với mọi người. Người có da quá nhạy cảm, đang mắc bệnh về da hoặc phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da trước khi thực hiện, chọn cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Đinh Tiên
Độc giả gửi câu hỏi về da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |