Trả lời:
Vôi hóa tuyến tiền liệt là tình trạng lắng đọng muối canxi, thường là canxi phốt phát hoặc canxi cacbonat ở tuyến tiền liệt. Tình trạng này có thể liên quan đến một số bệnh như viêm tuyến tiền liệt hoặc viêm đường tiểu lâu ngày không được điều trị đầy đủ, phì đại lành tính tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt hoặc do tuổi tác (thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi). Các nốt vôi hóa có thể hình thành sau một số liệu pháp điều trị như phẫu thuật phì đại tuyến tiền liệt, xạ trị ung thư ở cơ quan này.
Vôi hóa tuyến tiền liệt thường không gây triệu chứng. Người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện khi làm các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay chụp X-quang, chưa cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng, nốt vôi hóa lớn, có thể chèn ép vào bàng quang hay niệu đạo. Lúc này người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng tiểu khó, bí tiểu, tiểu ra máu, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, nhiễm trùng đường tiểu, xuất tinh đau và khó, tinh dịch ít.
Trường hợp của anh cần xác định rõ nguyên nhân gây tiểu ra máu, có liên quan tới vôi hóa tuyến tiền liệt hay không. Cần tầm soát hết các nguyên nhân gây tiểu máu như nhiễm trùng, ung thư, chấn thương, cầu thận, rối loạn đông máu... Nếu xác định là do nốt vôi hóa, bác sĩ có thể điều trị bằng các biện pháp nội khoa gồm thuốc kháng sinh, thuốc tiêm, massage tuyến tiền liệt, can thiệp ngoại khoa bằng phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở.
Để phòng ngừa bệnh, nam giới cần uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế bia rượu và các chất kích thích, thường xuyên tập thể dục. Khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần để sớm phát hiện bất thường tại tuyến tiền liệt, theo dõi hoặc điều trị phù hợp.
BS.CKI Lý Minh Hoàng
Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiết niệu - nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |