Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 lần thứ hai được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đêm 10/6 quy định: từ năm 2023, nếu thi lại một năm, thí sinh vẫn được hưởng chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, thí sinh đạt 22,5 điểm trở lên khi xét tuyển đại học có thể không được cộng tối đa điểm ưu tiên, những em đạt 30 điểm thậm chí không được cộng.
Có ý kiến cho rằng việc cộng điểm ưu tiên sẽ làm mất cơ hội của người có năng lực nhưng ở khu vực thành thị. Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm này. Ở đây, chúng ta đang hướng đến phát triển xã hội theo hướng cân bằng. Khi ở thành phố, bạn được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng và cả về giáo dục nhiều hơn. Lẽ đương nhiên là các bạn ở những vùng ít được đầu tư hơn sẽ phải được ưu tiên để "cân bằng" lại với những nhóm hưởng lợi ban đầu.
Tất nhiên, việc cộng điểm này cũng có mặt trái, nhưng phải nhắc lại rằng mục tiêu chung là cố gắng để phát triển xã hội ở mức "tương đối" cân bằng, không tạo ra sự phân hóa quá lớn. Thế nên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giữ điểm cộng cho các thí sinh thuộc diện được hưởng chính sách ưu tiên là hoàn toàn đúng đắn.
>> 'Cần học đạo hàm, tích phân dù không sử dụng ngoài đời'
Bản thân tôi cũng là một người được cộng đến 3,5 điểm ưu tiên khi thi đại học. Nhưng nếu để đổi lại 3,5 điểm đó để được sống, được học tập ở thành phố - nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn toàn diện, chất lượng giáo dục cũng cao hơn rất nhiều, thì tôi cũng sẵn sàng đánh đổi. Khi bạn phải học buổi tối bằng đèn dầu, hôm nào hết dầu phải đốt vỏ bút bi để học, mỗi ngày phải đạp xe 7 km đường đất để đến trường, hôm nào trời mưa thì phải đi bộ... thì bạn mới hiểu cộng 1-3 điểm cũng chẳng phải thứ gì quá ghê gớm hay tạo ra bất công cả.
Bản chất câu chuyện ở đây là "những người giỏi rồi thì không ưu tiên nữa" để những người "kém giỏi hơn" được có thêm cơ hội tiếp cận với nền giáo dục Đại học. Về mặt phát triển, điều đó sẽ phần nào giảm bớt tính cạnh tranh (yếu tố quan trọng nhất của phát triển), nhưng xét về mặt xã hội thì nó lại rất cần thiết vì như vậy mới góp phần phát triển xã hội một cách "tương đối" đồng đều được.
Còn trong việc tuyển chọn cán bộ, lãnh đạo quản lý... thì tôi đồng ý rằng không nên có điểm ưu tiên. Nhưng ở đây là cơ hội tiếp cận với giáo dục thì cần được mở rộng cho tất cả các đối tượng người học. Do đó, nên có điểm ưu tiên để những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được thêm cơ hội tiếp cận với giáo dục. Có như vậy chúng ta mới ngày càng thu hẹp được khoảng cách phân hóa trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.