Sau hai tuần điều trị, da mặt Moli Sokha (33 tuổi, huyện Chba Om Pau, Phnôm Pênh, Campuchia) đã hết mụn, không còn viêm hay mưng mủ. Chị được bác sĩ tư vấn làm sáng các vết thâm, sẹo... do mụn để lại, sớm phục hồi làn da.
Đầu năm 2022, da mặt Sokha bỗng nổi mụn hai bên gò má. Lúc đầu, mụn chỉ xuất hiện 2-3 nốt, sau đó mọc nhiều hơn, lan rộng tới trán, cằm và mũi. Chị tìm mua các sản phẩm trị mụn nhưng sau một tuần, mụn lại xuất hiện.
Điều trị tây y không đỡ, cô gái 9x tìm đến các phương pháp trị mụn tự nhiên bằng lá, nhựa cây... nhưng mụn mọc nhiều hơn, nhiều nốt sẹo thâm ở hai má. Sokha cho hay mình phải mang khẩu trang khi ra ngoài, ít chụp hình hơn, đồng thời thấy cơ thể mệt mỏi, nóng trong người, chán ăn, khó ngủ.
Trong lần khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, mẹ Sokha tình cờ trò chuyện với một cô gái đang trị mụn tại đây nên quyết định đưa con gái qua Việt Nam để điều trị. Sokha nhanh chóng làm hộ chiếu và tranh thủ cuối tuần, hai mẹ con đi xe buýt khoảng 6 tiếng từ Campuchia sang Việt Nam.
Dựa vào kết quả soi da, chiếu đèn LED và thăm khám lâm sàng, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM nhận thấy, da mặt Sokha lão hóa hơn 3 tuổi so với tuổi thật. Da mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn, da khô, độ đàn hồi thấp, lỗ chân lông to, nhiều mụn viêm có mủ, các đốm sắc tố ở má và trán. Kết quả chẩn đoán Sokha bị mụn trứng cá, viêm da, sưng mủ, chỉ số bạch cầu trong máu tăng cao.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy các chức năng gan thận bình thường, người bệnh nổi mụn do thay đổi chế độ sinh hoạt, thức khuya, căng thẳng, lo nghĩ nhiều kèm theo chế độ ăn cay nóng, nhiều đồ ngọt, dầu mỡ, ít uống nước. Quá trình điều trị mụn lâu dài nhưng không hiệu quả khiến người bệnh thêm căng thẳng, dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể.
Bệnh nhân được bác sĩ kê thuốc uống trị mụn, tuýp bôi chống viêm da, dưỡng ẩm, sữa rửa mặt cùng liệu trình điện di để sớm phục hồi tổn thương.
Bác sĩ Bích cho hay, điện di là phương pháp sử dụng điện để đưa thuốc trị mụn vào da. Điện di có hai đầu, đầu nóng làm nở lỗ chân lông để đưa thuốc thấm sâu từng lớp tế bào da, sau đó điện di lạnh để se khít lỗ chân lông. Phương pháp này rút ngắn thời gian điều trị mụn, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí cũng như giảm tác dụng phụ khi sử dụng thuốc uống nhiều.
Sau hai tuần, da mặt Sokha hết mụn viêm, sưng, giảm nếp nhăn. Bác sĩ Bích tiếp tục điều trị sẹo thâm để chị có làn da sáng khỏe, đẹp hơn.
Theo các bác sĩ, mụn trứng cá ảnh hưởng 80-90% dân số, thường bắt đầu ở tuổi dậy thì, nhưng đến tuổi trưởng thành vẫn có thể bị nổi mụn. 20-30% người bệnh cần can thiệp y khoa. Theo bác sĩ Bích, 4 yếu tố chính gây mụn trứng cá, bao gồm: tăng tiết chất bã nhờn, rối loạn sừng hóa ống bã, vi khuẩn, viêm nhiễm.
Trong đó, tăng tiết bã nhờn bao gồm yếu tố nội tiết và các yếu tố không liên quan đến nội tiết (xà phòng, sở hữu làn da dầu, mức độ tăng tiết bã nhờn...) Rối loạn sừng hóa ống bã làm hẹp, thậm chí tắc đường thoát chất bã nhờn gây nên tình trạng ứ đọng chất bã.
Vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu và đặc biệt là Cuti Bacterium acnes trong các ống tuyến bã, là vi khuẩn quan trọng nhất trong căn sinh bệnh học mụn trứng cá. Đây là loại vi khuẩn gram dương kỵ khí, phát triển tốt nhất trong điều kiện pH bằng 5-5,6, nhiệt độ 30-37 độ C.
Viêm nhiễm cũng là nguyên nhân gây mụn. Sự xuất hiện của vi trùng sinh mụn, tạo ra các chất sinh học. Các chất này hoạt hóa hệ thống bổ thể, các bạch cầu đa nhân, gây tình trạng viêm nang lông.
Bác sĩ Bích khuyến cáo người bị mụn tránh tự mua thuốc, mỹ phẩm khiến tình trạng mụn nặng hơn, để lại sẹo thâm, mụn mủ viêm sưng. Người bệnh tuyệt đối không tự nặn mụn vùng da chữ T vùng này có nhiều mạch máu và thông với các mạch máu xoang hang vùng sọ não. Nếu tự nặn mụn sẽ đối diện nguy cơ nhiễm trùng. Trường hợp nhiễm trùng nhẹ có thể gây phù, sưng húp mắt, méo mặt. Trường hợp nặng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang trong não dẫn đến hôn mê, tử vong.
Mặt khác, người bị mụn thường có tâm lý tự ti về ngoại hình, ngại giao tiếp, lo âu. Nếu bị mụn điều trị không khỏi lâu dài, người bệnh có nguy cơ rơi vào trầm cảm, ăn không ngon, khó ngủ, cơ thể mệt mỏi, suy nhược. Một số bệnh nhân để giải tỏa căng thẳng thường ăn nhiều đồ ngọt, cay làm dễ sưng viêm hơn.
Nhiều người bệnh có tâm lý nôn nóng khi trị mụn, bôi thuốc khoảng 1-2 tuần không có hiệu quả liền đổi thuốc khác. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều thuốc trị mụn không được kê toa, không rõ nguồn gốc dễ làm tổn thương da. Để tránh tình trạng tiền mất nhưng không hết mụn, người bệnh nên gặp bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da để được thăm khám, soi da, kiểm tra tình trạng da và chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Đinh Tiên