Đi tiểu thường xuyên có thể xảy ra vào ban ngày và ban đêm (tiểu đêm). Triệu chứng có thể bao gồm đi vệ sinh hơn 8 lần trong 24 giờ, thức dậy nhiều lần giữa đêm để đi vệ sinh, muốn đi tiểu ngay khi không cần hoặc mới đi vệ sinh. Triệu chứng khác kèm theo có thể là sốt, đau hoặc khát nước nhiều.
Đi tiểu liên tục thường do uống nhiều chất lỏng, nhất là cà phê, rượu. Khi lão hóa, dung tích bàng quang giảm, nhiều người lớn tuổi cũng gặp tình trạng tăng co bóp bàng quang, tốc độ dòng nước tiểu chậm hơn hoặc giảm áp lực ở niệu đạo. Kết quả là bàng quang không được làm trống hoàn toàn, dẫn đến đi vệ sinh thường xuyên hơn.
Tình trạng này cũng thường gặp ở phụ nữ mang thai, do thay đổi nội tiết tố và tử cung phát triển lớn chèn ép bàng quang. Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao có thể dẫn đến đi tiểu nhiều lần.
Nếu tình trạng này không phải do các nguyên nhân trên thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiềm ẩn dưới đây.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Nhu cầu đi tiểu của người bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên hơn ngay cả khi bàng quang đã trống. Triệu chứng khác có thể bao gồm tiểu rát, sốt nhẹ, nước tiểu đục hoặc có máu. Bệnh này phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới.
Tiểu đường: Bệnh lý này làm tăng lượng nước tiểu khi cơ thể cố gắng tự loại bỏ lượng glucose (đường) thừa.
Bàng quang tăng hoạt: Bàng quang hoạt động quá mức khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên và khẩn cấp, ngay cả khi bàng quang không đầy. Bệnh dẫn đến tiểu không tự chủ.
Viêm bàng quang kẽ: Tình trạng này tạo áp lực lên bàng quang, gây đau và buồn tiểu liên tục.
Bệnh thần kinh: Đột quỵ, bệnh Parkinson làm tổn thương các dây thần kinh kiểm soát việc làm đầy hoặc trống bàng quang. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề bao gồm buồn tiểu liên tục.
Sa cơ quan vùng chậu: Khi các cơ và mô nâng đỡ tử cung, bàng quang hoặc trực tràng yếu hoặc lỏng lẻo, các cơ quan vùng chậu có thể sa khỏi vị trí bình thường, gây biến chứng rối loạn tiểu tiện.

Đi tiểu thường xuyên kèm dấu hiệu như đau lưng hoặc hông, nóng rát khi tiểu cảnh báo bệnh. Ảnh minh hoạ: Freepik
Bệnh tuyến tiền liệt: Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt lành tính, ung thư và viêm tuyến tiền liệt có thể cản trở dòng nước tiểu qua niệu đạo, dẫn đến bàng quang không được làm trống hoàn toàn, tần suất đi tiểu tăng.
Ung thư bàng quang: Loại ung thư này là nguyên nhân ít gặp gây đi tiểu thường xuyên, thường kèm máu trong nước tiểu, có thể đau hoặc không.
Người đi tiểu liên tục bị gián đoạn giấc ngủ, sinh hoạt, công việc hoặc kèm theo triệu chứng khác nên đến bác sĩ Tiết niệu sớm để xác định nguyên nhân và điều trị khi cần thiết. Triệu chứng đi kèm cần lưu ý như đau lưng hoặc hông, nóng rát khi tiểu, nước tiểu có máu hoặc đục, mệt mỏi, sốt, tăng cảm giác thèm ăn, khát nước, giảm cân đột ngột, nôn mửa.
Bác sĩ có thể kiểm tra thói quen ăn uống của người bệnh, xét nghiệm nước tiểu để xác định nhiễm trùng, siêu âm tìm kiếm khối u. Phương pháp điều trị trường hợp nặng tùy vào bệnh nền như kiểm soát bệnh tiểu đường, điều trị ung thư.
Trong trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, giảm đồ uống chứa caffeine, kiểm soát lượng chất lỏng nạp vào hàng ngày, tập bài tập kegel để tăng cường sức mạnh ở sàn chậu.
Bác sĩ có thể kê thuốc hỗ trợ làm dịu cơ vùng chậu và dây thần kinh. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn thực hiện bài tập rèn luyện bàng quang, tuân thủ lịch đi tiểu cố định, tăng thời gian nhịn tiểu.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)