Anh Hưng cho biết những triệu chứng trên kéo dài nhiều ngày nhưng ngại đi khám, cũng không dám nói với bạn gái. Sau khi lên mạng tự tìm mua thuốc điều trị lậu, được báo giá 5-7 triệu đồng, anh quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám để an toàn.
Kết quả xét nghiệm nước tiểu và dịch niệu đạo có vi khuẩn lậu. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân tiêm thuốc trị lậu, tránh không quan hệ tình dục trong thời gian điều trị vì có khả năng lây cho người khác. Sau một tuần, anh Hưng khỏi bệnh, vùng sinh dục không còn đau, rỉ dịch.
Sáng hôm sau, anh đưa bạn gái đến tầm soát bệnh lậu. Kết quả xét nghiệm không phát hiện vi khuẩn.
Bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, cho biết lậu lây truyền qua đường tình dục do nhiễm khuẩn song cầu gram âm neisseria gonorrhoeae, truyền từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở. Một số trường hợp mắc bệnh do dùng chung khăn và thau đựng nước để vệ sinh bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp vì vi khuẩn này không thể sống lâu ở môi trường bên ngoài.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, thế giới có khoảng 82 triệu trường hợp mắc mới. Bệnh lậu ở nam và nữ có biểu hiện khác nhau. Nam giới thường cảm thấy buốt, nóng rát khi đi tiểu, chảy dịch, mủ ở dương vật, đau tinh hoàn. Nữ giới có các triệu chứng tiết dịch âm đạo, ngứa âm hộ và âm đạo, đau khi giao hợp, đau vùng chậu.
Bệnh lậu nếu không điều trị có thể gây biến chứng như viêm khớp, viêm gân, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm nội tâm mạc, vô sinh... Bác sĩ Thùy Trang khuyến cáo người bệnh khám sớm, tuân thủ phác đồ, điều trị cả bạn tình, không quan hệ tình dục, tránh uống rượu bia và dùng chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị, 7 ngày sau đó. Người bệnh nên xét nghiệm huyết thanh giang mai, HIV trước và sau điều trị.
Để phòng tránh bệnh, không quan hệ tình dục với nhiều người, sử dụng bao cao su khi giao hợp; xét nghiệm cùng bạn tình khi một trong hai nghi ngờ mắc bệnh. Khám sức khỏe định kỳ giúp tầm soát các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Đinh Tiên