Hồi còn học tiểu học, tôi đã gặp văn mẫu. Ngoài chuyện "nhà em có nuôi một ông nội" thì còn rất nhiều cái mẫu khác, trong đó có một chuyến đi đáng nhớ.
Ở miền Tây, chúng tôi đi Đà Lạt chơi, ai cũng thấy cây thông cao, đi trên đường đèo thì nhớ gửi gắm niềm tin vào tài xế. Tôi và các bạn đều viết như nhau và chúng tôi đều có điểm tốt.
Lên cấp ba, tôi bất ngờ gặp một đề bài yêu cầu tả một chuyến đi đáng nhớ. Yêu cầu kèm theo duy nhất là bài viết khoảng 500 từ. Bạn tôi kể về chuyến đi Đà Lạt.
Còn tôi kể một câu chuyện tréo ngoe có thật. Đó là chuyến đi chơi trên sông Cửu Long, chiếc ghe máy chúng tôi thuê bị chết máy giữa chừng, người lái phải chèo xuồng đưa chúng tôi về bờ. Bài của chúng tôi đều được chấm điểm tốt, và tôi không bị chê lạc đề.
Cái đề bài thi cấp ba đó có thật, nó diễn ra lúc tôi đang thi kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Bạn tả chuyến đi Đà Lạt và tôi đều đậu, chúng tôi đều vào vòng thi học sinh giỏi cấp quốc gia và cũng đậu nốt. Có điều là kỳ thi đó là kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn... tiếng Anh.
Cũng cách đây khá lâu, tôi có ý kiến rằng nếu thi IELTS hay TOEFL là quá đủ để đánh giá khả năng một người Việt có học được tại một trường đại học ở Mỹ, Anh hay Australia, thì tại sao đề thi Văn Việt Nam lại phải có cái đáp án làm gì thế?
Ngay lập tức có một giáo viên môn Văn nói rằng, kỳ thi tốt nghiệp cấp ba môn Văn là để kiểm tra kiến thức văn học. Mà để kiểm tra kiến thức Văn học thì tất nhiên phải có cái đáp án, chứ không thì ai biết chấm thế nào.
Tôi cảm thấy ngán ngẩm cho bản thân khi một vấn đề đơn giản mà mình cũng không thể chuyển tải nổi, tới một giáo viên dạy Văn cũng chả hiểu tôi nói cái gì.
Rồi tôi lại nhớ tới lời phê kinh điển của giáo viên Văn, rằng em không hiểu ý tác giả. Có điều, học sinh mà không hiểu ý tác giả thì lỗi là ở tác giả, viết lách cái kiểu gì mà người ta lại không hiểu thế này? Tôi là tác giả của bài viết kia, giáo viên Văn đó đọc vào mà không hiểu, đúng là tôi có lỗi rồi còn gì.
Tôi chỉ nghe nói rằng, chúng ta cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chứ chưa từng nghe rằng chúng ta cần phải giữ gìn sự trong sáng của Văn học.
Vì vậy, nhà trường cần phải dạy tiếng Việt thật thực chất. Người Việt mở mắt ra là phải nói tiếng Việt, cầm cái gì lên đọc cũng bằng tiếng Việt, viết email cho đồng nghiệp khách hàng bằng tiếng Việt, báo cáo với sếp bằng tiếng Việt. Chớ không phải ai cũng cần biết biện pháp tu từ của truyện Kiều là như thế nào đâu?
Chỉ cần đặt mục tiêu là dạy tiếng Việt thì người Việt sẽ tiếp cận môn tiếng Việt như tiếng Anh, tức là phải làm sao để đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả ngữ pháp, câu cú đàng hoàng, viết sao cho người ta đọc vào thì hiểu, và nội dung thì chỉ cần "có lý" là được.
Như vậy, các bà ngoại không cần phải tóc bạc da mồi, nụ cười móm mém, các bà mẹ không cần da trắng tóc dài, miệng cười tỏa nắng. Thay vào đó, mỗi bài viết của học sinh đọc vào, người ta có thể hình dung ra bà hay mẹ của em ấy thế nào.
Có như vậy thì khi lớn lên, đi công tác mà bị hư xe thì còn có thể viết báo cáo cho sếp biết. Chứ lúc đó mà tả chuyến đi Đà Lạt thì thôi rồi.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.