Nói về tình hình hiện tại của môn Ngữ Văn trong nhà trường Việt Nam, ở nhiều cấp học, bằng quan sát cá nhân, tôi nhận thấy có một số vấn đề đang tồn tại, cần được thay đổi để môn Ngữ Văn trở nên ý nghĩa, sát với thực tế, và không còn là "nỗi ám ảnh" của nhiều bạn học sinh.
Một là, cách đánh giá môn học còn rập khuôn, thiếu tính sáng tạo và riêng biệt: "đúng ý thầy cô, ý ba-rem thì điểm cao; đúng cảm nhận của mình thì điểm thấp".
Hai là, các tác phẩm văn học được chọn để dạy còn ít nhiều xa lạ, hàn lâm, không phù hợp với cuộc sống, khả năng hiểu và cảm thụ của cấp lớp, của phần đông học sinh.
>> Điểm 10 môn Văn do bài thi hoàn hảo hay theo 'barem'?
Có thể kể ra một vài "nỗi ám ảnh", cả trong và ngoài nước, mà tôi tin là những ai đã từng học qua, sẽ ít nhiều đồng tình: "Xa ngắm thác Núi Lư" (Lý Bạch); "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" (Đỗ Phủ) (chương trình cấp THCS); "Đàn ghi-ta của Lorca" (Thanh Thảo); "Người trong bao" (Chekhov) (chương trình cấp THPT)...
Ba là, phương pháp giảng dạy của một số giáo viên còn nặng về lý thuyết hàn lâm, thiếu chất liệu hiện thực trong đời sống, để khơi gợi hứng thú học tập của học sinh.
Bốn là, sự cũ kỹ, chậm chạp cập nhật những tác phẩm văn học mới của chương trình giáo khoa Ngữ Văn, trong khi cuộc sống luôn không ngừng vận động, thay đổi từng ngày.
Môn Văn phải làm tốt nhiệm vụ nuôi lớn phần nhân văn trong tâm hồn con người, hình thành và bồi đắp "cái nói, cái viết, cái biểu đạt", trước bất kỳ một mục tiêu cao xa, vĩ đại nào khác.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.